Năm 2021 được kỳ vọng là một năm sẽ có nhiều bước đi mới, chính sách mới và các hành động cụ thể nhằm phát triển kinh tế – xã hội. Thế nhưng, đâu mới là giải pháp để nền kinh tế Việt Nam bứt tốc?
Không thể nới lỏng về tiền tệ
Trước những ảnh hưởng của Covid-19 lên nền kinh tế, ông Phạm Thế Anh – PGS-TS, Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, Việt Nam không thể chạy theo các chính sách vĩ mô tương tự như các nước khác trên thế giới, chẳng hạn như việc nới lỏng tiền tệ quy mô lớn. Bởi sau nhiều năm thâm hụt ngân sách, nguồn lực tài khóa đã hạn hẹp, cộng thêm việc chính sách tiền tệ bị ràng buộc theo các mục tiêu về lạm phát và tỷ giá.
Bước sang năm 2021, ông Thế Anh nhận định, việc “không gian chính sách không còn rộng rãi” sẽ là nguyên nhân khiến chính sách vĩ mô để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội gặp nhiều hạn chế hơn. “Chính sách tiền tệ, cụ thể là công cụ lãi suất trong năm 2021 sẽ giảm hiệu quả đáng kể”, ông nhận xét thêm.
Ngoài ra, Kinh tế trưởng của Viện VEPR đặc biệt lưu ý đến việc hình thành bong bóng tài sản trên thị trường chứng khoán và thị trường BĐS. Năm 2020, sự tăng trưởng đáng kể của các thị trường tài sản chủ yếu là bởi, đó là nơi trú ẩn an toàn cho khoản tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư và hộ gia đình. Ở giai đoạn khủng hoảng là thế, nhưng việc liên tục hạ của lãi suất huy động tiền gửi do cầu tín dụng giảm, đang đẩy dòng tiền tiết kiệm ra khỏi ngân hàng ngày càng nhanh hơn. Hơn nữa, khi mức tăng giá trên các thị trường tài sản đủ lớn để tạo ra hiệu ứng của cải (wealth effect), thì mức chi tiêu đối với các mặt hàng không phải thiết yếu sẽ tăng, dẫn tới sự lan tỏa của việc tăng giá từ thị trường tài sản sang thị trường tiêu dùng. Dù quá trình này chậm chạp, nhưng cũng là một biểu hiện của hiện tượng tăng giá khi chính sách nới lỏng tiền tệ được theo đuổi trong thời gian đủ dài.
Tiếp tục tăng cường đầu tư công
Báo cáo mới nhất được công bố hôm 9/2/2021 của VEPR cũng chỉ rõ, việc ưu tiên hàng đầu hiện nay là phải đảm bảo an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng cho đối tượng doanh nghiệp khi tạm dừng hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) còn hoạt động. Bên cạnh đó, chính sách nhằm hỗ trợ DN cần tiếp tục được thực hiện khẩn trương, đúng đối tượng, tập trung và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của DN. Việc khoanh/ngưng, miễn giảm chi phí tài chính cho DN như khoản lãi vay, tiền thuê đất cần tiếp tục được triển khai. Đồng thời, xem xét cân nhắc cắt giảm kinh phí công đoàn để hỗ trợ DN.
Theo báo cáo này, với nhóm DN không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh hoặc có khuynh hướng chuyển đổi hiệu quả nên khuyến khích tín dụng và tạo điều kiện về môi trường thể chế liên quan, chính sách ngành. Trường hợp có các ý tưởng chính sách để hỗ trợ đặc biệt cho nhóm DN cụ thể, thì chính sách này cần theo hướng kích cầu, hỗ trợ NTD thanh toán chi phí mua hàng của hãng, thay vì việc tài trợ trực tiếp cho hãng.
“Chúng tôi cho rằng việc giãn, giảm thuế nếu có, chỉ nên được áp dụng với thuế VAT thay vì thuế thu nhập doanh nghiệp“, ông Thế Anh nhận định và lý giải thêm rằng, việc giảm thuế TNDN chỉ hỗ trợ được số ít DN không bị ảnh hưởng, hoặc là đang được hưởng lợi ích từ các tác động của dịch bệnh chứ không giúp được đa số DN đang gặp khó khăn. Từ đó, việc giảm thuế TNDN còn có nguy cơ tạo ra bất bình đẳng sâu sắc hơn trong môi trường kinh doanh, gây hiệu ứng không tốt đến kết quả phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Năm 2021 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ lãnh đạo mới của Đảng và Nhà nước. Đây là năm được kỳ vọng sẽ có nhiều bước đi mới, chính sách mới và hành động cụ thể để phát triển toàn diện kinh tế xã hội. Trong bối cảnh này, các chính sách trọng cung là hữu ích nhất cho Việt Nam, giúp củng cố các yếu tố nền tảng của nền kinh tế. Ngoài ra, cần được chú trọng hơn nữa việc đa dạng hóa thị trường xuất/nhập khẩu, nhằm tránh phụ thuộc vào một số đối tác kinh tế lớn. Đặc biệt, dù chậm trễ, song Việt Nam nên từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu Covid-19, hoặc những diễn biến bất ngờ của chính bệnh dịch trong các năm tiếp theo.
Lạc quan nhưng thận trọng, giữ kỳ vọng lĩnh vực sản xuất ít bị ảnh hưởng bởi làn sóng dịch đang được khống chế nhờ vacxin, ông Đinh Quang Hinh của VNDIRECT nhận định: kinh tế toàn cầu những tháng tới khởi sắc, đem lại nhiều đơn đặt hàng hơn cho các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Theo ông cho rằng, vẫn cần thêm thời gian để quan sát và định lượng các tác động tiềm tàng đối với triển vọng nền kinh tế. Tuy nhiên, nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ tiếp tục được củng cố với thặng dư thương mại lớn, thặng dư tài khoản vãng lai, dự trữ ngoại hối tiếp tục gia tăng và áp lực lạm phát giảm. Tất cả bước đệm này sẽ giúp Việt Nam đối phó với rủi ro cả bên trong lẫn bên ngoài.
Theo DNSG
Thông tin liên quan: Kinh tế Việt Nam khả năng sẽ phục hồi từ quý II/2021
Tham khảo: Phần mềm kế toán tại các doanh nghiệp vừa và lớn