Áp dụng mô hình Agile/Scrum cho phát triển sản phẩm của BRAVO

Việc áp dụng mô hình phát triển là điều tất yếu trong quá trình lớn mạnh của các doanh nghiệp sản xuất phần mềm. Mới đây, BRAVO đã thực hiện đào tạo áp dụng mô hình Agile/Scrum cho các thành viên nhóm Scrum của Khối Công nghệ, để có thể vận hành mô hình đạt hiệu quả cao.

Mô hình Agile – Quy trình Scrum là gì?

Agile là phương pháp phát triển phần mềm linh hoạt để làm sao đưa sản phẩm đến tay khách hàng càng nhanh càng tốt, là một hướng tiếp cận cụ thể cho việc quản lý dự án phần mềm.

Scrum là một dạng của mô hình Agile và là Framework phổ biến nhất khi thực hiện mô hình Agile. Scrum là mô hình phát triển lặp đi lặp lại. Những khoảng lặp cố định thường kéo dài 1,2 tuần được gọi là Sprint hoặc Iteration.

Scrum có ích gì cho phát triển phầm mềm hiện nay?

Nó giúp loại bỏ những công đoạn phức tạp và chỉ tập trung vào những công đoạn cần thiết đáp ứng được nhu cầu của khách hàng đưa ra. Ba yếu tố nòng cốt tạo thành một mô hình quản lý tiến trình thực nghiệm gồm: sự minh bạch (transparency), thanh tra (inspection) và thích nghi (adaptation).

BRAVO đào tạo mô hình Agile/Scrum cho phát triển phần mềm

Việc áp dụng mô hình phát triển là điều tất yếu trong quá trình lớn mạnh của các doanh nghiệp sản xuất phần mềm. Tuy nhiên, để mô hình có thể vận hành được đúng đắn, đạt hiệu quả cao thì phụ thuộc rất nhiều vào việc các thành viên trong nhóm có nắm vững về vai trò, trách nhiệm cũng như quy trình thực hiện các công việc hay không. Mô hình Scrum sẽ có những vai trò mới với nhiệm vụ tách bạch rõ ràng, là những vai trò rất quan trọng nhưng chưa từng chính thức được ghi nhận trong hoạt động sản xuất kinh doanh của BRAVO. Do vậy, các thành viên khi tham gia vào quá trình đào tạo đều rất háo hức, tham gia đầy đủ tất cả buổi học với ý thức cao nhất, có ghi chép, trao đổi hỏi/đáp, phản biện…

Diễn ra trong các ngày từ 22/3 – 27/3, nội dung của các buổi đào tạo không những cung cấp những kiến thức cơ bản, mà các thành viên còn được chia thành nhiều nhóm để làm các bài tập tương tác; các ví dụ thực tế, những bài toán hàng ngày gặp phải được dẫn chứng đưa ra, để hiểu một cách thấu đáo quy trình hoạt động của mô hình Scrum.

Nội dung của những buổi học xoay quanh các vấn đề:

1. Agile/Scrum Course

 – Cơ bản về Agile và Scrum: Gia tăng nhận thức về Agile và khung làm việc Scrum.

– Vai trò và kỹ năng của từng bộ phận: Phân biệt rõ sự khác biệt giữa về công việc, trách nhiệm giữa các vai trò trong Scrum và các kỹ năng cần thiết ở từng vị trí. Trong Scrum, đội ngũ tham gia phát triển phần mềm được phân chia ra 03 vai trò với trách nhiệm rõ ràng để đảm bảo tối ưu hóa các công việc đặc thù. Ba vai trò này bao gồm:

  • Product Owners: là người chịu trách nhiệm về sự thành công của dự án, người định nghĩa các yêu cầu và đánh giá cuối cùng đầu ra của các nhà phát triển phần mềm.
  • Scrum Master: Là người có hiểu biết sâu sắc về Scrum và đảm bảo nhóm có thể làm việc hiệu quả với Scrum. Họ phải đảm bảo các sprint được hoàn thành đúng mục đích, bảo vệ đội làm việc và loại bỏ các trở ngại.
  • Development Team (BA, Dev, Tester…): Một nhóm liên chức năng (cross-functional) tự quản lý để tiến hành chuyển đổi các yêu cầu được tổ chức trong Product Backlog thành chức năng của hệ thống.

(Ảnh: Internet)

Nội dung cần nhớ của quy trình Scrum

Không thực hiện đưa toàn bộ yêu cầu/ nghiệp vụ hệ thống vào Code và Testing cùng một lúc, mà sẽ chia các yêu cầu làm theo từng giai đoạn. Mỗi giai đoạn chỉ làm một số lượng yêu cầu nhất định.

  • Chia thành nhiều giai đoạn nhỏ để thực hiện hay còn gọi lại Sprint.
  • Mỗi 1 Sprint thường kéo dài từ 1 đến 4 tuần (không dài hơn 1 tháng).
  • Đầu Sprint sẽ lên kế hoạch làm những yêu cầu nào, sau đó sẽ thực hiện code và test. Cuối Sprint là một sản phẩm hoàn hiện cả code lẫn test có thể demo và chạy được.
  • Hoàn thành Sprint 1, tiếp tục làm Sprint 2… cho đến khi hoàn thành hết các yêu cầu.
  • Trong mỗi 2 Sprint thì sẽ có họp hàng ngày – daily meeting. Cả team sẽ đứng họp thành 1 vòng tròn thường chỉ họp 15-20 phút. Mỗi thành viên sẽ báo cáo: Hôm qua đã làm gì? Hôm nay sẽ làm gì? Có gặp khó khăn gì không?…
  • Trong mỗi 1 Sprint thì các thành viên của dự án phải tạo task cho code và test. Một task code xong là phải có task test liền ngay đó. Do thời gian làm ngắn nên hiệu quả làm việc cao, đúng tiến độ đảm bảo cuối Sprint là hoàn thành được cả test.
  • Ưu điểm phù hợp với những yêu cầu nghiệp vụ hay thay đổi hoặc hệ thống nghiên cứu do làm theo từng giai đoạn ngắn ngày, có thể nhìn thấy những rủi ro hay những điểm chưa phù hợp để thay đổi.
  • Điều hành đội dự án sẽ là Scrum Master, còn có Product Owner là người đánh giá phần mềm làm đã đúng nghiệp vụ/ yêu cầu chưa.

Quy trình Scrum (Ảnh: Internet)

Cách vận hành Scrum trong một Sprint

  • Lập kế hoạch & phân bổ nguồn lực trong Sprint Planning;
  • Đánh giá hiệu quả sản phẩm trong Sprint Review;
  • Nâng cao Performance với Restrospective;
  • Nắm bắt tình trạng công việc qua Daily Scrum.

Cách quản lý hiệu quả trong quá trình vận hành Scrum: Mô tả cách thức quản lý các tính năng giải pháp; Mô phỏng việc Vận hành Scrum trong doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, khóa học còn đi sâu vào nội dung kiến thức qua các buổi học về: 2. BA Course (Kiến thức tổng quan; Phương pháp khai thác YC; Mô hình hóa YC); 3. Scrum Master Course (Tổng quan về chân dung về Scrum Master và cách thức vận hành hiệu quả mô hình Scrum.); 4. Product Owner Course (Tổng quan về Vai trò của Product Owner).

Có nhiều mô hình phát triển phần mềm khác nhau, nhưng mô hình Agile/Scrum vừa có sự tự do sáng tạo, lại vừa có khuôn khổ vừa đủ để thúc đẩy dự án tăng năng suất và chất lượng. Kết thúc khóa học về mô hình Agile/Scrum, cảm nhận chung của các thành viên khi tham gia khóa học là: “Rất háo hức với những thông tin ban đầu. Trải qua quá trình đào tạo, được trải nghiệm với những tình huống thực tế, mọi người đều cảm nhận được tính hiệu quả nếu thực sự quyết tâm và nghiêm túc thực hiện được mô hình phát triển sản phẩm này. Tuy nhiên, còn rất nhiều những khó khăn trở ngại để mô hình có thể hoạt động thành công. Hi vọng với sự quyết tâm cao của Ban Lãnh đạo công ty, cùng với sức trẻ và nỗ lực cống hiến hết mình của đội ngũ nhân viên kỹ thuật sẽ mang lại một kết quả tích cực nhất khi áp dụng mô hình này.”

Với chủ trương xây dựng thương hiệu dựa trên “Chất lượng sản phẩm”“Chất lượng dịch vụ”. Do vậy khi phát triển sản phẩm cũng như cung cấp phần mềm và dịch vụ cho khách hàng, BRAVO luôn chú trọng quan tâm đến chất lượng. Với việc áp dụng mô hình Agile/Scrum cho phát triển sản phẩm phần mềm, BRAVO mong muốn xây dựng, cải tiến chất lượng cung cấp sản phẩm, tăng mức độ hài lòng của khách hàng; tối ưu hóa hiệu quả và nỗ lực của đội phát triển; rút ngắn thời gian phát hành phần mềm. Từ đó, cung cấp cho khách hàng các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng tối ưu nhu cầu của khách hàng.

>> Tìm hiểu phần mềm ERP BRAVO

Xem thêm: Kỹ năng quản lý nhân sự trong mô hình doanh nghiệp.
Xem thêm các cập nhật mới nhất của BRAVO 8 ERP-VN TẠI ĐÂY.

Yến TTH tổng hợp

News

Tin tức liên quan

    tư vấn khách hàng