Samsung và LG: 46 năm “cuộc chiến giữa các vì sao”


Đường và kem


Vào năm 1938, khi Nhật còn xâm chiếm Hàn Quốc, Lee Byung-chull lập ra một công ty thương mại ở tỉnh Gyeongsang, cũng là quê hương ông, và đặt tên nó là Samsung. Trong tiếng Hàn cái tên này có nghĩa là 3 ngôi sao. Sau cuộc chiến tranh Hàn Quốc, ông gần như mất hết mọi thứ. Với số vốn ít ỏi còn lại, Byung-chull lập ra một công ty tinh luyện đường với nickname Sugar BC, cái tên do một số binh lính Mỹ gọi khi họ còn đóng tại quốc gia này.


Samsung và LG: 46 năm "cuộc chiến giữa các vì sao"
Lee Byung-chull (trái, sáng lập Samsung) và Koo In-hwoi (phải, sáng lập LG)​


Nhà sáng lập LG, Koo In-hwoi, cũng sinh ra tại Gyeongsang. Sau khi đạt thành công tương đối ở việc kinh doanh hàng khô và nhập khẩu, ông mở công ty Luk Hai năm 1947 để sản xuất kem sức mặt mang hiệu “Lucky“, từ mà ông thấy được trong một trạm lính Mỹ tại Hàn Quốc. Đến năm 1958, ông tiếp tục thành lập Goldstar – nền tảng cho LG Electronics về sau. Goldstar nổi tiếng với chiếc A-501, thiết bị radio gia đình đầu tiên của Hàn Quốc, và hãng cũng đã đi trước Samsung một bước khi tiến vào thị trường điện tử.


Nhờ chung quê với nhau nên Byung-chull và In-hwoi có mối quan hệ bạn bè khá thân thiết và cũng tôn trọng nhau. Họ thậm chí còn đi học cùng trường tiểu học với nhau, khi lớn lên thì họ có quan hệ thông gia: con gái thứ hai của Byung-chull kết hôn với con trai thứ ba của In-hwoi, người thậm chí còn làm cho Samsung. Bộ đôi này cũng lập ra Tongyang Broadcasting, một đài truyền hình hoạt động dưới danh nghĩa công ty liên kết và nó đã khá thành công khi cả hai ông chưa đối đầu trực tiếp.


Có một chi tiết thú vị thế này: chữ Samsung có nghĩa là ba ngôi sao, còn nguyên gốc của chữ G trong LG cũng có nghĩa là Goldstar – ngôi sao vàng, thế nên cuộc chiến giữa hai công ty còn được gọi là cuộc chiến giữa các vì sao.


Từ chaebol được dùng để chỉ một mô hình tập đoàn thuộc quyền chủ sở hữu và điều hành bởi các thành viên trong một họ gia đình ở Hàn Quốc, nhưng vẫn chịu sự ảnh hưởng nhất định từ phía chính phủ, nhà nước. Ngoài chế độ “gia đình trị“, để được gọi là chaebol thì tập đoàn cũng phải có từ hai ngành kinh doanh trở lên. Samsung và LG là hai trong số những chaebol nổi tiếng và lớn nhất Hàn Quốc với việc tham gia vào thị trường điện tử, tài chính, sức khỏe, công nghiệp nặng, xây dựng… Hai cái tên còn lại là Hyundai Motor Company và SK Group. Ngoài ra còn có nhiều chaebol nữa ở nhiều lĩnh vực khác nhau.


Cuộc chiến bắt đầu


Ngày 19/6/1969, chính phủ Hàn Quốc công bố một kế hoạch kéo dài 8 năm nhằm hỗ trợ cho ngành điện tử nước nhà. Park Chung-hee, tổng thống Hàn Quốc khi đó, cũng có hứng thú với lĩnh vực này, và ông đã từng cấm nhập khẩu các đài radio nước ngoài nhằm bảo vệ cho sản phẩm của LG trong thị trường nội địa.


Cho Yong-soo, một giáo sư tại khoa kĩ thuật điện tử của Đại học Chung-ang, cho biết: “Tôi nghĩ rằng quyết định của chính phủ nhằm tăng cường ngành điện tử là một quyết định rất đúng đắn khi mà nước chúng tôi không có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Thương mại, xây dựng và công nghiệp nặng là những ngành đã giúp Hàn Quốc phát triển nhưng không còn mạnh như trước, chỉ còn IT là lĩnh vực mà chúng tôi đang đứng ở top đầu của thế giới nhờ có Samsung và LG“.


Thế mà Samsung đã chuẩn bị sẵn sàng để nhảy vào thị trường này trước cả thông báo của chính phủ. Trong cuốn tự truyện của mình, con trai của Lee Byung-chull cho biết Byung-chull đã đi gặp người bạn In-hwoi và nói rằng Samsung đã lên kế hoạch để kinh doanh các mặt hàng điện tử. Ngay lúc đó In-hwoi không tỏ ra vui vẻ lắm với thông tin này. Ông đã hét vào Byung-chull và khiến vị thông gia bị sốc vì phản ứng không ngờ đến. Không nói thêm lời nào, Byung-chull rời đi và cả hai không bao giờ thân thiện với nhau nữa.


Về sau, Koo In-hwoi nói với người con Koo Cha-kyung rằng ông cảm thấy buồn khi mà người thông gia của ông lại quyết định đầu tư vào lĩnh vực mà ông đang kinh doanh, trong khi In-hwoi thì không bao giờ mở nhà máy đường nào để cạnh tranh với Samsung vì tôn trọng lẫn nhau (lúc đó ngành kinh doanh chính của Samsung vẫn là tinh luyện đường). Người con thứ ba của ông cũng đã nghỉ việc tại Samsung để về làm cho LG. Cuối cùng, In-hwoi từ bỏ hết cổ phần của mình ở nhà đài Tongyang Broadcasting vì cả hai không thể tìm được tiếng nói chung trong việc quản lý công ty này.


Một vài tháng sau, công ty con chuyên về xuất bản báo của Samsung đăng tải bài viết của Byung-chull nói về sự quan trọng của ngành điện tử đối với tương lai của Hàn Quốc. Tờ báo của LG ngay lập tức phản pháo lại bằng nhiều bài viết khác. Cuối cùng, Byung-chull tự mình đi gặp tổng thống Park để thuyết phục ông cho phép Samsung bước chân vào lĩnh vực này bởi luật pháp khi đó buộc các công ty phải được cấp phép trước khi kinh doanh một số mảng nhất định. Cuối cùng thì tổng thống cũng đồng ý với Samsung.


Samsung không chỉ là công ty chaebol lớn nhất Hàn Quốc, họ còn là một tập đoàn về kinh tế, văn hóa, chính trị và xã hội. Doanh thu của Samsung năm 2013 là 304 tỉ USD, chiếm gần 25%tổng GDP của cả Hàn Quốc. Trong khi đó, LG cũng không thua kém khi liên tục giữ vị trí quan trọng trong số các chaebol. Trong năm 2014, doanh thu của công ty vào khoảng 104 tỉ USD và họ có 3 lĩnh vực chính: điện tử, hóa học và viễn thông.


Samsung đặt chân vào thị trường điện tử nội địa một cách mạnh mẽ bằng các sản phẩm TV trắng đen bắt đầu từ tháng 12/1969. Sang năm 1970, Samsung bắt tay với NEC và Sanyo để sản xuất linh kiện dùng trong TV rồi dần dần đa dạng hóa các sản phẩm của mình. Đến năm 1976 hãng đã vượt mặt Taihan, vốn là công ty điện tử lớn thứ hai chỉ sau LG. Đến những năm 80, nhu cầu với đồ điện gia dụng tăng cao kỉ lục và đây là lúc mà hai công ty bắt đầu đối đầu nhau một các trực tiếp trong lĩnh vực thiết bị tiêu dùng như TV, máy tính.


Samsung và LG: 46 năm "cuộc chiến giữa các vì sao"
Những mặt hàng điện tử tiêu dùng của Samsung​


Năm 1993, hai nhân viên Samsung bị bắt khi đột nhập trái phép vào cơ sở sản xuất máy giặt của LG. Samsung đã phải xin lỗi vì sự cố này, chủ tịch Lee Kun-hee còn gọi hành động đó là một sự vi phạm nghiêm trọng về mặt đạo đức và rất tức giận về hai nhân viên của mình. Tuy nhiên, Samsung cũng không bỏ lỡ cơ hội công kích LG với cáo buộc LG đã gửi gián điệp sang nhà máy sản xuất bán dẫn của hãng. Được biết nhiều nhân viên của Samsung và LG quen biết nhau từ thời trung học và đại học, thế nên họ có thể tiết lộ về kế hoạch của công ty mình khi đi hút thuốc hay uống bia cùng nhau.


Chỉ mới đây thôi, vào tháng 2 năm 2015, một giám đốc của LG cũng phải ra tòa vì bị cáo buộc phá hoại máy giặt Samsung trong một sự kiện triển lãm. Tới cuối tháng 3, hai hãng đồng ý giảng hòa và rút đơn kiện nhau. Hai chaebol này còn có những vụ lùm xùm khác về máy điều hòa.


Dưới sự quản lý mới


Koo In-hwoi, nhà sáng lập LG mà chúng ta đã nói đến khá nhiều ở trên, qua đời năm 1969 – cũng là năm mà cuộc chiến giữa LG và Samsung bắt đầu. Khi đó, con trai Koo Cha-kyung của ông lên giữ ngai vua trong đế chế LG. Mặc dù LG là một trong các công ty đầu tiên tham gia vào điện tử và hóa học nhưng Cha-kyung nhận ra rằng với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các chaebol khác, LG cần phải làm cho bản thân hãng trở nên khác biệt. Thế là Cha-kyung bắt đầu chú trọng vào chất lượng thay vì số lượng, và ông làm điều này trước mọi vị chủ tịch khác tại đất nước Hàn Quốc.


Song song đó, Lee Byung-chull, chủ tịch Samsung, bổ nhiệm người con thứ ba của mình là Lee Kun-hee làm người kế tục. Lúc đó đây là một nước đi khá lạ lẫm, nhất là khi so sánh với LG, nhưng thực chất lại là quyết định sáng suốt nhất của ông. Đến những năm 80, Hyundai và Daewoo bắt đầu làm mưa làm gió nên Samsung cũng cần phải đổi mới bản thân mình.


Không để LG vượt mặt, Lee Kun-Hee cũng quyết định theo đuổi chất lượng thay vì số lượng, và những phát ngôn của ông về chuyện này thậm chí còn mạnh mẽ hơn cả LG. Trong một show truyền hình, ông gọi những sản phẩm lỗi là căn bệnh ung thư. Năm 1995, ông đốt 150.000 chiếc điện thoại được xem là bị lỗi nhằm chứng minh cho sự nghiêm túc của mình.


Văn hóa kinh doanh của LG vẫn còn rất bảo thủ ngay cả đến ngày hôm nay, một phần vì đi theo định hướng của In-hwoi, phần khác là do các chaebol thường có xu hướng mô hình hóa bản thân mình theo cách sống của vị chủ tịch. Gia đình của In-hwoi theo đạo Khổng Tử, và cách thức cha truyền con nối vẫn còn tiếp dẫn cho tới tận ngày hôm nay: Koo Cha-kyung, con trai trưởng của In-hwoi, đã thừa kế lại tập đoàn từ tay ông, và giờ đây con trai trưởng của Cha-kyung là Koo Bon-moo đang đứng đầu tập đoàn. Bon-moo thì không có con trai, thế nên ông nhận con trai của người em mình làm con nuôi và giới báo chí Hàn Quốc tin rằng người này cũng sẽ kế nhiệm Bon-moo.


Bán dẫn


Nước đi táo bạo nhất của Lee Byung-chull trong vai trò chủ tịch Samsung đó là tuyên bố Samsung sẽ tham gia vào lĩnh vực bán dẫn hồi năm 1983. Lúc đó Samsung gặp vô số trở ngại bởi ngành công nghiệp này cần nhiều tỉ đô la tiền đầu tư, nó cũng rất khó khăn nhưng bù lại, người chiến thắng sẽ có được tất cả.


Vào thời điểm đó, những công ty lớn của Nhật là NEC, Toshiba và Hitachi đang thống trị việc sản xuất chip nhớ. Họ không cạnh tranh với đối thủ nào của Hàn Quốc, thay vào đó là các công ty Mỹ như Motorola, Texas Instruments và National Semiconductor. Chính vì thế, khi Samsung thông báo tin tức của mình, các hãng Mỹ, Nhật này đều chế giễu Samsung.


Samsung và LG: 46 năm "cuộc chiến giữa các vì sao" ​


Trong cùng năm 1983, Samsung đã phát triển thành công chip DRAM 64K. Tuân theo định luật Moore, đến năm 1988, Samsung đã phát triển xong chip DRAM 4MB, tức là hãng chỉ đang thua kém các đối thủ Nhật 6 tháng công nghệ mà thôi.


Vì các quyết định kém cỏi của những hãng Nhật Bản trong khâu sản xuất chip, cộng với mức đầu tư khổng lồ của Samsung trong thời kì khủng hoảng kinh tế châu Á, tập đoàn Hàn Quốc cuối cùng cũng vượt mặt những đối thủ của mình. Đến năm 1993 thì Samsung trở thành công ty sản xuất chip nhớ số một thế giới và từ đó đến nay hãng chưa bao giờ để mất vị trí của mình.


LG và Hyundai cũng đầu tư vào bán dẫn chỉ một thời gian ngắn sau Samsung. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế đã giúp Samsung có được lợi thế so với LG. Năm 1997, LG bị chính phủ Hàn Quốc buộc phải từ bỏ ngành bán dẫn và chuyển giao cho Hyundai vì đây là một phần của kế hoạch cải cách kinh tế.


Samsung và LG đã sống sót qua cuộc khủng hoảng nhờ việc tái cấu trúc mạnh mẽ bởi nó đã giúp hai chaebol tập trung hơn vào các lĩnh vực cốt lõi của mình, đồng thời nhấn mạnh sự quan trọng của chất lượng và thiết kế thay vì chỉ sản xuất hàng loạt mà không quan tâm hậu quả về sau.


Lee Sin-doo, một giáo sư điện tử tạo Đại học Quốc gia Seoul, nhận xét: “Đây dường như là quyết định quan trọng nhất của Lee và Samsung. Samsung đối mặt với những thách thức lớn tới mức không tưởng, và quan trọng nhất là hãng cũng không có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực này. Nhưng nhờ có sự đầu tư kịp thời với quy mô lớn, ngành bán dẫn nhanh chóng trở thành đứa con cưng của hãng khi cung cấp nguồn tiền để Samsung tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực khác như TV và di động. Kiến thức mà hãng có được khi sản xuất bán dẫn cũng đã giúp Samsung rất nhiều trong việc sản xuất màn hình phẳng“.


TV, màn hình


Mục tiêu quan trọng của Samsung và LG đó là đánh bại các đối thủ Nhật Bản của mình vốn đang thống trị thị trường điện tử tiêu dùng khi đó. Hàn Quốc đã nhanh chóng rút ngắn khoảng cách về bán dẫn, nhưng với chỉ một con chip nhỏ bé gắn bên trong các sản phẩm thương hiệu Nhật vẫn là chưa đủ.


Để thật sự thành công, các công ty Hàn Quốc đã đặt một canh bạc: ngừng theo đuổi công nghệ analog, và chuyển hẳn sang kĩ thuật số. Trong lúc các công ty Nhật đang cố gắng vắt những đồng tiền cuối cùng từ màn hình CRT thì Samsung và LG đã đầu tư nhiều tỉ đô vào công nghệ LCD. Thế rồi nhu cầu đối với mặt hàng LCD nhanh chóng tăng cao, đặc biệt khi mà các nhà sản xuất laptop thấy được lợi ích của việc dùng màn hình LCD so với CRT. Đến năm 1998, Samsung trở thành công ty giao được nhiều tấm nền LCD nhất theo số liệu từ DisplaySearch.


LG thì bắt tay với Philips vào năm 1999 và thành lập nên công ty con mang tên LG Philips LCD (giờ là LG Display), chủ yếu là để đuổi theo Samsung. Không lâu sau đó cả Samsung và LG bắt đầu sử dụng màn hình của họ cho chính các thiết bị tiêu dùng của mình.


Samsung và LG: 46 năm "cuộc chiến giữa các vì sao"


Năm 2006, Samsung bắt đầu tập trung nhiều hơn vào thiết kế và mức độ tiêu thụ điện của TV, và điều đó đã giúp dòng TV LCD Bordeaux của công ty nổi tiếng khắp thế giới. Nó cũng giúp Samsung trở thành nhà sản xuất TV lớn nhất thế giới và hất văng Sony ra khỏi ngôi vị này sau 35 năm thống trị. Những năm sau này có thêm nhiều đối thủ mới từ Đài Loan, Trung Quốc nhưng Samsung và LG hiện vẫn hai tên tuổi cực lớn trong lĩnh vực LCD tính đến ngày hôm nay.


Cuộc chiến giữa Samsung và LG ở mảng TV/màn hình không dừng lại ở cạnh tranh sản phẩm. Cả hai còn kiện cáo nhau rất nhiều về gian lận thương mại trong giai đoạn 2009-2012. Thậm chí nhiều nhân viên Samsung và LG đã bị truy tố hình sự khi cố gắng ăn cắp bí quyết kinh doanh của đối thủ, trụ sở làm việc của hai công ty cũng nhiều lần bị cảnh sát lục soát. Mãi đến đầu năm 2013 cả hai mới đồng ý đối thoại để giải quyết các mâu thuẫn. Trong một cuộc họp ở Seoul, Kim Ki-nam, trưởng bộ phận Samsung Display, tiết lộ rằng công ty của ông sẽ “giải quyết từng vấn đề một”. Trong khi đó, Han Sang-beom, CEO của LG Display, thì cho biết sẽ có những cuộc nói chuyện giữa hai phía nhằm xoa dịu tình hình.


Kim Byung-ki, một nhà phân tích từ công ty chứng khoán Kiwoom Securities, nhận định: “Samsung và LG đã thành công khi chiếm lấy ngôi vị dẫn đầu trong mảng LCD từ tay các hãng Nhật Bản vào giữa những năm 2000 nhờ vào việc đầu tư lớn. Nhưng thành thật mà nói, về mặt công nghệ thì Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đang ngang ngửa nhau. Sự khác biệt nằm ở chi phí và đối tượng khách hàng. Samsung và LG có một lượng lớn người dùng nhờ TV, và họ sẽ tiếp tục kiếm tiền nhờ vào điều đó.


Điện thoại


Mảng điện thoại hiện đang là bộ phận cực kì quan trọng với Samsung. Nó đóng góp 2/3 lợi nhuận cho cả tập đoàn, và Samsung Electronics cũng được xem như một trong số ít ỏi những công ty có khả năng cạnh tranh với Apple trong ngành di động.


Nếu như Apple mới nhảy vào thị trường di động trong một thời gian ngắn thì Samsung đã có chân trong ngành được hơn hai thập kỷ. Năm 1994, Samsung ra mắt chiếc điện thoại di động SH-770 Anycall, và cái tên này ám chỉ rằng thiết bị có thể thực hiện cuộc gọi ngay cả ở những vùng núi hoang vu của Hàn Quốc vốn không có sóng mạnh. Chỉ một năm sau, nó trở thành chiếc điện thoại bán chạy nhất tại quốc gia này.


Samsung và LG: 46 năm "cuộc chiến giữa các vì sao"


Trong thời kì khủng hoảng kinh tế châu Á, chính phủ Hàn Quốc quyết định ngành viễn thông sẽ là động lực tăng trưởng mới cho quốc gia, thế nên họ đưa ra nhiều chính sách thúc đẩy điều đó. Một cách nhanh chóng, Hàn Quốc đã thương mại công nghệ 3G vào năm 2006 và đưa Hàn Quốc trở thành một trong những nước có mạng viễn thông nhanh nhất thế giới. Tới năm 2012 thì mạng 4G LTE được triển khai và lại một lần nữa đưa Hàn Quốc vượt lên trước. Ngày nay chuẩn LTE-A cũng đã đi vào hoạt động và các nhà mạng nội địa như SK Telecom, KT và LG Uplus cũng đang đề ra kế hoạch thương mại hóa mạng 5G trong năm 2020.


Sự phát triển như vũ bão của mạng di động Hàn Quốc giống như là một giấc mơ đối với Samsung và LG vì họ có thể bán được nhiều điện thoại hơn. Thế là cả hai đều sản xuất ra vô số những model khác nhau, mỗi máy dành cho một nhu cầu nhất định. Chiếc SCH-X430S, còn được gọi là “điện thoại Lee Kun-hee” (chủ tịch công ty), ra mắt năm 2002 và đây là chiếc điện thoại đầu tiên đánh dấu mốc doanh số 10 triệu đơn vị của Samsung.


Tiếp theo thành công ở thị trường nội địa, Samsung tiến ra nước ngoài và nhanh chóng có được một vị trí vững chắc ở Mỹ và Châu Âu. LG thì bước ra thế giới sau thành công của chiếc “Chocolate Phone” năm 2005 và cũng đánh mạnh vào Mỹ. Cùng với những công nghệ và LCD và AMOLED, LG và Samsung đã đuổi kịp Nokia vào khoảng năm 2006, lúc đó đang là tượng đài của ngành di động thế giới.


Samsung và LG: 46 năm "cuộc chiến giữa các vì sao"
LG Chocolate​


Đến giờ thì LG và Samsung vẫn còn đang cạnh tranh trực tiếp ở lĩnh vực di động. LG nổi tiếng với dòng G-Series, còn Samsung thì có dòng Galaxy. Mặc dù Samsung đã vươn lên giữ vị trí số 1 nhưng LG chưa bao giờ cho thấy dấu hiệu từ bỏ cuộc chơi và hai hãng liên tục làm mới sản phẩm của mình từ năm này qua năm khác nhằm đảm bảo mình sẽ không bị thua cuộc.


John Park, một nhà phân tích ở công ty Daishin Securities, cho biết: “Thiết kế là một trong những yếu tố quan trọng nhất với điện thoại phổ thông. Samsung và LG đã dẫn dắt sự sáng tạo của cả ngành công nghiệp với những chiếc điện thoại nắp bật và nắp trượt. Nhờ sự tập trung vào mặt thiết kế, Samsung nhanh chóng chiếm vị trí số 2 trong khi LG thì nằm an toàn trong top 5 thế giới. Giá là yếu tố quan trọng thứ 2, và cả hai chaebol Hàn Quốc cũng nhanh chóng bắt kịp Nokia về mặt này“.


Con đường phía trước


Mặc cho những khác biệt chủ chốt của mình nhưng chúng ta có thể thấy Samsung và LG có nhiều điểm giống nhau cơ bản. Theo lời cổ nhân của Hàn Quốc nói thì những kẻ đánh nhau sẽ dần trở nên giống nhau. Samsung và LG có cả một câu chuyện dài trong quá khứ, và rõ ràng Hàn Quốc sẽ rất khác nếu như không có hai công ty này.


Hiện chúng ta vẫn chưa thấy cuộc chiến tranh giữa các vì sao kết thúc, nhưng chiến trường ngày nay đã thay đổi. Bản thân thương hiệu Samsung và LG đã tự nói lên tất cả, và họ không chỉ so kè nhau ở nội địa mà còn trên cả thế giới. Hai chaebol không còn đuổi theo sau các công ty hay vất vả tìm kiếm thị phần ở Mỹ nữa. Thay vào đó, họ tạo ra xu thế và họ dẫn đầu xu thế. Chặng đường vẫn còn rất dài và cũng đầy thú vị…


Theo Tinh Tế

News

Tin tức liên quan

    tư vấn khách hàng