3 chính sách tiền lương mới có hiệu lực từ 2020


Những thay đổi từ chính sách nhà nước vẫn luôn được người lao động lẫn tổ chức, doanh nghiệp quan tâm. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu 03 chính sách mới, quan trọng về tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2020.


Từ ngày 1/1/2020, hàng loạt quy định mới về tiền lương sẽ chính thức có hiệu lực pháp luật. Trong đó, có chính sách tăng lương tối thiểu vùng, xếp lương các ngạch công chức ngành ngân hàng và kế toán.


1. Tăng lương tối thiểu vùng lên đến tối đa 240.000 đồng/tháng


Chính phủ vừa ban hành Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động (NLĐ) làm việc theo HĐLĐ. Như vậy, lương tối thiểu tại vùng I đến vùng IV sẽ tăng thêm lần lượt 240.000 đồng/tháng, 210.000 đồng/ tháng, 180.000 đồng/ tháng, 150.000 đồng/tháng. Cụ thể:


  • Mức lương tối thiểu vùng I tăng từ 4.180.000 đồng/tháng lên 4.420.000 đồng/tháng;

  • Mức lương tối thiểu vùng II tăng từ 3.710.000 đồng/tháng lên 3.920.000 đồng/tháng;

  • Mức lương tối thiểu vùng III tăng từ 3.250.000 đồng/tháng lên 3.430.000 đồng/tháng;

  • Mức lương tối thiểu vùng IV tăng từ 2.920.000 đồng/tháng lên 3.070.000 đồng/tháng.


Theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và NLĐ thỏa thuận và trả lương.


Mức lương mà doanh nghiệp trả cho NLĐ làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ số giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức công việc đã thỏa thuận không được phép thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm công việc giản đơn nhất và cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định.


Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định riêng đối với địa bàn đó. Trong trường hợp doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì chi nhánh ở địa bàn nào sẽ được áp dụng mức lương tối thiểu vùng với địa bàn đó.


Các doanh nghiệp hoạt động trong KCN, khu chế xuất nằm trên những địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau, áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.


Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại cũng như các chế độ khác đã được pháp luật lao động quy định.


Các khoản phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng, khoản bổ sung khác do doanh nghiệp quy định, hai bên sẽ thực hiện theo thỏa thuận trong HĐLĐ, thỏa ước lao động tập thể hoặc đã có trong quy chế của doanh nghiệp.


Thông tin thêm: So với năm 2019, một số địa bàn chuyển từ vùng III, IV lên vùng II, vùng I giữ nguyên. Theo đó, vùng II tăng 11 địa bàn, vùng III giảm 3 địa bàn, vùng IV giảm 8 địa bàn. Một số địa bàn thay đổi mức áp dụng lương tối thiểu vùng như sau:


Chuyển từ vùng III lên vùng II: Huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước); TP Bến Tre, huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre).


Chuyển từ vùng IV lên vùng II: Huyện Quảng Xương, huyện Đông Sơn (tỉnh Thanh Hóa), huyện Hưng Nguyên, huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An), huyện Bình Đại, huyện Ba Tri,  huyện Mỏ Cày (tỉnh Bến Tre).


Danh mục các địa phương thuộc các vùng từ I đến IV được nêu trong phụ lục của Nghị định này.


>>> Xem thêm: 11 khoản phụ cấp không tính vào thuế thu nhập cá nhân 2020


2. Công chức ngành Ngân hàng có hệ số lương cao nhất đến 8,0


Căn cứ quy định tại Thông tư 12/2019/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 19/8/2019, công chức ngạch kiểm soát viên (KSV) ngân hàng phải có kinh nghiệm công tác trong ngành tối thiểu từ 2 năm trở lên. Cụ thể:


Ngạch kiểm soát viên cao cấp: yêu cầu kinh nghiệm công tác tại vị trí KSV chính hoặc tương đương từ đủ 6 năm trở lên, với thời gian giữ ngạch KSV chính tối thiểu 1 năm (đủ 12 tháng);


Ngạch kiểm soát viên chính: yêu cầu thời gian giữ ngạch KSV hoặc tương đương từ đủ 9 năm trở lên, không kể thời gian tập sự hay thử việc. Trong đó, thời gian giữ ngạch KSV tối thiểu 1 năm (đủ 12 tháng);


Ngạch kiểm soát viên: yêu cầu kinh nghiệm công tác trong ngành Ngân hàng từ đủ 2 năm trở lên, trong đó có tối thiểu 1 năm (đủ 12 tháng) công tác trong lĩnh vực kiểm soát, kiểm toán tại Ngân hàng Nhà nước.


Tóm lại, tiêu chuẩn nghiệp vụ, chuyên môn tối thiểu của công chức ngạch KSV ngân hàng phải có đủ 2 năm trở lên công tác trong ngành.


Hiện nay, mức lương của các công chức ngành ngân hàng vẫn luôn luôn nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều người. Theo Thông tư số 12/2019/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành quy định về chức danh, mã số ngạch, tiêu chuẩn nghiệp vụ và cách xếp lương các ngạch công chức ngành ngân hàng, ngạch KSV cao cấp là công chức loại A3 nhóm 1 có hệ số lương cao nhất đến 8,0 và mức lương hiện tại là 11,92 triệu đồng/ tháng.


Dưới đây là bảng lương của công chức ngành Ngân hàng được áp dụng kể từ ngày 1/1/2020.



3. Lương Kế toán viên cao nhất đến 12,08 triệu đồng/tháng


Ngày 11/11/2019 vừa qua, Bộ Tài Chính có ban hành Thông tư số 77 với nhiều quy định mới cho đối tượng công chức chuyên ngành kế toán, đặc biệt là đề cập đến cách xếp lương cho đối tượng này. Cụ thể như sau:


Từ 1/1/2020, không tuyển dụng công chức kế toán viên sơ cấp


Nếu như Thông tư số 09/2010/TT-BNV vừa hết hiệu lực ngày 15/11/2019 quy định kế toán viên sơ cấp là công chức chuyên môn nghiệp vụ làm việc tại các đơn vị kế toán cấp cơ sở thuộc bộ máy hành chính Nhà nước, thực hiện các công việc kế toán thuộc phần việc kế toán được phân công thì tới Thông tư 77, Bộ tài chính đã bãi bỏ ngạch công chức này.


Theo đó, công chức chuyên ngành kế toán chỉ còn 04 đối tượng gồm: Kế toán viên trung cấp, Kế toán viên, Kế toán viên chính và Kế toán viên cao cấp. Bên cạnh đó, những công chức hiện đang giữ ngạch kế toán viên sơ cấp tính đến trước ngày 1/1/2020, BTC có hướng dẫn cụ thể:


  • Nếu có bằng tốt nghiệp từ CĐ trở lên, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của ngạch kế toán viên trung cấp thì được xem xét để bổ nhiệm vào ngạch này;

  • Nếu có bằng tốt nghiệp ĐH trở lên, đồng thời đáp ứng đủ tiêu chuẩn của ngạch kế toán viên được xét miễn điều kiện về thời gian giữ ngạch khi thi nâng ngạch lên kế toán viên;

  • Nếu chưa có bằng tốt nghiệp từ CĐ trở lên thì sẽ tiếp tục hưởng theo hệ số lương hiện hưởng trong thời gian 06 năm kể từ 1/1/2020. Đồng thời, cơ quan sử dụng công chức trong thời gian này phải bố trí cho nhân sự đi đào tạo để đáp ứng tiêu chuẩn của ngạch.


Như vậy, khi Thông tư 77 có hiệu lực sẽ không tuyển dụng kế toán viên sơ cấp nữa và những người hiện đang công tác vẫn sẽ được hưởng nguyên hệ số lương hiện hưởng trong thời gian 06 năm tính từ 1/1/2020.


Công chức kế toán có lương cao nhất đến 12,08 triệu đồng/tháng


Thông tư số 77 cũng quy định thêm, bởi việc xếp lương của công chức chuyên ngành kế toán được thực hiện và hướng dẫn tại Thông tư nên bảng lương năm 2020 của đối tượng này đã được quy định rõ. Cụ thể:


– Kế toán viên cao cấp là công chức loại A3 – nhóm A3.2;


– Kế toán viên chính là công chức loại A2 – nhóm A2.2;


– Kế toán viên được xếp công chức loại A1;


– Kế toán viên trung cấp được xếp theo lương công chức loại A0.


Như vậy, đối tượng kế toán viên cao cấp (công chức loại A3 – nhóm 2) có hệ số lương từ 5,75 – 7,55 và mức lương tương ứng với được tính là:


– Từ nay đến 30/6/2020: Từ 8,568 triệu đồng/tháng – 11,25 triệu đồng/tháng;


– Từ 1/7/2020 trở đi: Từ 9,2 triệu đồng/tháng – 12,08 triệu đồng/tháng


Có thể bạn quan tâm: Phần mềm kế toán BRAVO hỗ trợ công việc tại các doanh nghiệp vừa và lớn.

News

Tin tức liên quan

    tư vấn khách hàng