Tổng hợp quyền lợi của lao động nữ theo quy định mới nhất


Tỷ lệ lao động nữ tại Việt Nam chiếm tới 49% lực lượng lao động trong độ tuổi từ 15 tuổi trở lên. Đây là một tỷ lệ cao nhất trên toàn thế giới. Thấu hiểu được tầm quan trọng của nguồn lao động nữ, Chính phủ và Nhà nước cũng ban hành nhiều chế độ quyền lợi ưu tiên dành cho đối tượng này khi hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ BHXH. Bài viết sẽ giúp bạn đọc cập nhật toàn bộ quyền lợi của lao động nữ theo quy định mới nhất để đảm bảo chế độ đầy đủ cho mình khi tham gia vào thị trường lao động. 


1. Điểm qua trách nhiệm và nghĩa vụ BHXH của lao động nữ


Căn cứ theo nội dung tại quyết định 959/QĐ-BHXH nêu rõ:


Mức đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) tiêu chuẩn của người lao động là 26% mức lương. Trong đó người lao động có trách nhiệm đóng 8%, người sử dụng lao động (doanh nghiệp) có nghĩa vụ đóng 18%.


Mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) tiêu chuẩn của mỗi người là 4.5% mức lương. Trong đó người lao động có trách nhiệm đóng 1.5%; 3% còn lại người sử dụng lao động sẽ có trách nhiệm đóng.


Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tiêu chuẩn của mỗi lao động là 2%. Trong đó người lao động có nghĩa vụ đóng 1%; doanh nghiệp sẽ đóng 1% còn lại.


Như vậy, trách nhiệm của người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng khi tham gia BHXH bắt buộc là đóng 10.5% mức lương làm việc. Phần còn lại là 22% doanh nghiệp hoặc người sử dụng lao động sẽ có trách nhiệm đóng. Ngoài ra nếu người lao động tự nguyện đăng ký tham gia vào tổ chức công đoàn thì phải đóng thêm 1% đoàn phí.


>>> Có thể bạn quan tâm: Chính sách mới về BHXH bắt buộc từ ngày 01/09/2021


2. Tổng hợp các quyền lợi của lao động nữ mới nhất theo quy định


Căn cứ nội dung trong bộ Luật lao động mới nhất được ban hành, lao động nữ được tạo điều kiện tối đa trong quá trình làm việc để thực hiện tốt chức năng làm mẹ, chăm sóc và nuôi dạy thế hệ trẻ. Cụ thể chính sách được thông qua bởi 15 quyền lợi sau:


Thứ nhất, lao động nữ có quyền được thăm khám chuyên khoa phụ sản định kỳ mỗi năm 1 lần


Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động và khoản 1 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, tất cả người lao động đều được thăm khám sức khỏe định kỳ tối thiểu 1 lần/năm. Và lao động nữ có quyền được khám chuyên khoa phụ sản trong các kỳ khám sức khỏe định kỳ đó. Đặc biệt với những ngành nghề làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc lao động là người khuyết tật, đối tượng chưa thành niên hoặc người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 06 tháng 1 lần.


Thứ hai, lao động nữ có quyền được nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian “đèn đỏ”


Mới đây, thêm một quyền lợi mới dành cho lao động nữ ban hành tại khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 và khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Theo đó, lao động nữ trong những ngày hành kinh sẽ được nghỉ thêm mỗi ngày 30 phút tính vào giờ làm việc và vẫn hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động. Số ngày nghỉ sẽ linh hoạt tùy theo sự thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp, nhưng tối thiểu sẽ là 03 ngày làm việc/tháng. Nếu trường hợp, lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và người sử dụng lao động đồng ý thì sẽ được trả thêm tiền lương tương ứng với thời gian được nghỉ.  


Thứ ba, lao động nữ có quyền được nghỉ 60 phút/ngày trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi


Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 và Khoản 4 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì lao động nữ có quyền lợi được nghỉ 60 phút/ngày trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi mà vẫn được hưởng nguyên lương. Nếu lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý thì sẽ được hưởng thêm tiền lương ngoài giờ theo thời gian quyền lợi được hưởng.


Thứ tư, lao động nữ có quyền không phải làm đêm, làm thêm, đi công tác xa khi mang thai hoặc nuôi con nhỏ


Khoản 1 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 quy định, doanh nghiệp không được phép sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ, đi công tác xa trong các trường hợp sau:


  • Lao động nữ đang mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;

  • Lao động nữ đang trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Nếu trường hợp được người lao động đồng ý thì doanh nghiệp vẫn được phép.


Thứ năm, lao động nữ có quyền được chuyển công việc nhẹ hơn trong thời gian mang thai và nuôi con dưới 12 tháng tuổi


Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ làm công việc nặng nhọc hoặc điều kiện môi trường làm việc độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng tới chức năng sinh sản hoặc nuôi con sẽ có quyền được luân chuyển sang công việc nhẹ nhàng và an toàn hơn ở thời kỳ mang thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Tuy nhiên người lao động phải thông báo cho người sử dụng lao động được biết để có kế hoạch điều chỉnh. Khi đó, lao động nữ sẽ không bị cắt giảm tiền lương và quyền lợi theo trong hợp đồng đã thỏa thuận ngay từ ban đầu.


Thứ sáu, lao động nữ có quyền được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới khi hợp đồng hết hạn trong thời gian mang thai hoặc nuôi con nhỏ


Theo quy định tại khoản 3 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019, trong trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được người sử dụng lao động ưu tiên ký kết hợp đồng lao động mới.


Thứ bảy, lao động nữ có quyền không bị xử lý kỷ luật khi mang thai và nuôi con nhỏ


Điểm d khoản 4 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019 đã quy định rõ, lao động nữ sẽ không bị xử lý kỷ luật trong thời gian mang thai; nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Tuy nhiên, hết thời gian ưu tiên này, người sử dụng lao động vẫn có thể xử lý kỷ luật lao động nữ theo quy định.


Thứ tám, lao động nữ có quyền được nghỉ thai sản trước và sau sinh con 6 tháng


Căn cứ theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con 06 tháng và thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng.


Các trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.


Trong thời gian nghỉ chế độ thai sản 06 tháng, lao động nữ vẫn được hưởng chế độ trợ cấp BHXH theo quy định của pháp luật. Hết thời gian nghỉ thai sản, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương nếu có sự đồng ý của người sử dụng lao động.


Lao động nữ cũng có thể trở lại làm việc sớm sau thời gian nghỉ 04 tháng nhưng phải có sự đồng ý của người sử dụng lao động, xác nhận tình trạng sức khỏe của các cơ sở y tế có thẩm quyền. Trong trường hợp này, cùng một lúc lao động nữ sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi từ cả 2 chế độ: tiền lương từ người sử dụng lao động và khoản trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH.


Thứ chín, lao động nữ có quyền được đảm bảo việc làm sau chế độ thai sản


Theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ sẽ được bảo đảm công việc làm cũ sau khi hết thời gian nghỉ thai sản mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích. Trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.


Thứ mười, lao động nữ có quyền không bị sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi


Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 nghiêm cấm người sử dụng lao động có hành vi sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với lao động nữ vì các lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.


Thứ mười một, lao động nữ có quyền được yêu cầu doanh nghiệp lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ nếu quy mô đơn vị đạt hơn 1000 lao động nữ


Quyền lợi này được quy định cụ thể tại Khoản 5 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Bên cạnh đó, nội dung nghị định cũng khuyến khích người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế khi quy mô chưa đạt tới số lượng nhân sự quy định.


Thứ mười hai, lao động nữ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi mang thai


Theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ thời kỳ mang thai có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu tiếp tục làm việc gây ra ảnh hưởng xấu tới thai nhi và có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh.  


Thứ mười ba, lao động nữ có quyền được tạm hoãn hợp đồng lao động khi mang thai


Điều 138 Bộ luật Lao động 2019 cho phép lao động nữ có được quyền tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Khi tạm hoãn hợp đồng, lao động nữ mang thai phải thông báo cho người sử dụng kèm theo xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh. Thời gian tạm hoãn có thể do thỏa thuận của 2 bên hoặc tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám, chữa bệnh chỉ định (nếu có).


Thứ mười bốn, lao động nữ có quyền bình đẳng với lao động nam về lương, thưởng, thăng tiến


Khoản 1 Điều 78 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định, người sử dụng lao động phải tôn trọng quyền bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ về lương, thưởng và cơ hội thăng tiến.


Thứ mười lăm, lao động nữ được hưởng BHXH chế độ thai sản


Theo quy định tại Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 chỉ rõ: Trong thời gian mang thai, lao động nữ có quyền được nghỉ việc đi khám thai 05 lần tối thiểu là 01 ngày cho mỗi lần khám. Quyền lợi nghỉ thăm khám của lao động nữ cũng có thể tăng lên 02 ngày/lần khám nếu chỗ ở xa cơ sở khám hoặc mẹ và thai nhi có bệnh lý bất thường.


Tại Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định: Trường hợp lao động nữ sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý có quyền được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản tối đa lên tới 50 ngày tùy thuộc vào số tuần tuổi của thai nhi.


>>> Tham khảo: Phần mềm Quản lý Nhân sự – Tiền lương – BHXH BRAVO

News

Tin tức liên quan

    tư vấn khách hàng