Tạo được dấu ấn với thị trường có gần 200 công ty làm phần mềm kế toán ở Việt Nam không phải điều dễ! Nhưng những người trẻ tuổi ở công ty Phần Mềm Kế Toán đã làm được điều đó và làm một cách tự tin như chính cái tên của họ “Hay lắm!”
Trong khi hầu hết các công ty phần mềm (PM) trong buổi đầu thường chọn hướng đi dễ tiếp cận, đơn giản thì những người sáng lập BRAVO lại nghĩ khác. Để khẳng định mình trên thương trường họ cần chọn hướng đi chuyên nghiệp và bài bản hơn, dù có chông gai. Với vốn kinh nghiệm tích lũy được từ quá trình lăn lộn trong lĩnh vực PM trước đó, tháng 10/1999, 3 chàng trai trẻ, những người sáng lập BRAVO, đã chính thức khai sinh công ty. Và lĩnh vực họ chọn là Phần mềm kế toán quản trị doanh nghiệp (DN) đòi hỏi nhiều kinh nghiệm quản trị, một mảng “yếu” của PM Việt Nam (VN) nói chung.
“Đừng nghĩ có nhiều công ty cung cấp là thị trường Phần mềm kế toán quản trị đã bão hòa”, ông Phạm Trung, giám đốc BRAVO nhận xét. “Chế độ kế toán hiện hành của VN luôn thay đổi và đang tiến tới xây dựng các chuẩn mực kế toán. Các DN có xu hướng chú trọng hơn tới công tác quản trị DN. Nên kế toán không chỉ dừng ở việc đáp ứng vấn đề nghiệp vụ với những con số đơn thuần mà còn là công cụ để điều hành DN. Chỉ riêng điều đó thôi cũng cho thấy những cơ hội rộng mở cho những công ty PM có cái nhìn nghiêm túc với thị trường và có khả năng đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của nhà quản lý.”
BRAVO còn là một ví dụ điển hình về mô hình của các công ty Phần mềm kế toán quản trị VN nói chung: trẻ với tuổi đời trung bình chỉ 26. Trong khi giới làm chính sách và các nhà quản lý đang đau đầu với vấn đề làm thế nào để phát triển thị trường PM trong nước thì một công ty PM trẻ như BRAVO vẫn hết sức lạc quan với tốc độ tăng trưởng của chính mình và của thị trường. Hầu như mức tăng trưởng của BRAVO luôn đạt năm sau cao hơn năm trước vài chục phần trăm.
Không như một số DN thường bi quan khi nói về sự cạnh tranh và bành trướng của các công ty Phần mềm kế toán quản trị nước ngoài, ông Trung lạc quan cho rằng các công ty PM VN có lợi thế hơn hẳn so với các công ty PM nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực kế toán. Vì không phải nhân viên kế toán nào cũng thạo tiếng Anh và dù có thạo tiếng Anh thì theo quy định báo cáo kế toán vẫn phải là tiếng Việt. Còn trong các lĩnh vực khác, tôi nghĩ cũng tương tự. Trước tiên, người Việt nói cho người Việt nghe tất nhiên dễ hiểu hơn, PM tiếng Việt do người Việt xây dựng tất nhiên gần gũi hơn. Hơn nữa, PM VN còn có lợi thế hơn hẳn về giá.
Nhắc đến kỷ niệm trong quá trình làm Phần mềm kế toán quản trị, vị giám đốc trẻ thú vị kể lại lần có một khách hàng đặt câu hỏi: “Tại sao tôi phải nhập lại dữ liệu vào máy tính? Tôi đã có số liệu trên giấy rồi thì số liệu đó phải tự chui vào máy tính chứ?” Một suy nghĩ tưởng rất “phi thực tế” nhưng thực ra là một yêu cầu hợp lý của người dùng, ông Trung bình luận. “Vấn đề của CNTT là làm giảm bớt công sức lao động và tạo cho người dùng sự thuận tiện nhất, từ đó tăng năng suất của các phần việc khác lên. Đó cũng chính là điều tôi luôn tâm niệm khi xây dựng, phát triển các PM”.
Nói về hướng phát triển sắp tới, ông Trung cho biết BRAVO sẽ phát triển mảng PM quản trị DN (ERP). Theo ông Trung “đây là bước phát triển tất yếu, mà đã là tất yếu thì mình không thể bỏ qua”. Dự kiến nửa đầu năm 2006, PM ERP của BRAVO sẽ đưa ra thị trường.
“BRAVO” nghĩa là tiếng hoan hô, lời khen chiến thắng, “Hay lắm!”. Cái tên hàm chứa sức trẻ và sự tự tin của một công ty Phần mềm kế toán quản trị. Ở khía cạnh khác, cái tên còn hàm chứa mục tiêu phấn đấu của một tập thể trẻ tuổi hơn 60 người ở BRAVO.
Tường Vy – PCWorld