BRAVO tham dự Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập VINASA

Tối 02/12, đại diện BRAVO Hà Nội đã đến tham dự Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam – VINASA, diễn ra tại Trung tâm hội nghị quốc gia.

Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) là tổ chức được thành lập vào ngày 27/4/2002 với mục đích kiến tạo nền công nghiệp phần mềm, đưa Việt Nam trở thành “thung lũng phần mềm” của thế giới. Trải qua 20 năm hoạt động và phát triển, VINASA đã có những bước phát triển vượt bậc và vượt qua những khó khăn, thử thách, vững vàng trong con đường phát triển góp phần đưa ngành CNTT Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Tối ngày 02/12 vừa qua tại Trung tâm hội nghị quốc gia Hà Nội, Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập VINASA (2002-2022) đã được tổ chức long trọng với sự có mặt của nhiều bộ, ban ngành, các thành viên của Hiệp hội và đại diện các doanh nghiệp CNTT lớn trên cả nước. Nhận được lời mời từ BTC, đại diện Công ty Cổ phần Phần mềm BRAVO đã tới tham dự với vai trò doanh nghiệp hội viên và đồng hành ủng hộ cho chương trình.

Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập VINASA

Ảnh: Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập VINASA

VINASA – Khát vọng của các kỹ sư công nghệ thông tin

Xuyên suốt buổi lễ là bốn chương với bốn chủ đề: Khơi dòng – Câu chuyện những người khơi nguồn dòng chảy CNTT Việt Nam; Đoàn kết – Tinh thần đoàn kết của các doanh nghiệp CNTT; Tiên phong – Câu chuyện về sự dấn thân, sáng tạo, tiên phong; Vươn khơi – Dòng chảy công nghệ đưa những đoàn thuyền vươn ra biển lớn.

VINASA trao kỷ niệm chương cho những người sáng lập

Ảnh: VINASA trao kỷ niệm chương cho những người sáng lập

Trong buổi lễ kỷ niệm, ông Trương Gia Bình (Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT – một trong những người sáng lập VINASA) cho biết, những năm 2000, ngành CNTT Việt Nam còn rất sơ khai. Khi đó, Internet thế giới đã chuyển sang Internet băng rộng, Việt Nam vẫn dùng công nghệ lạc hậu với tốc độ kết nối chỉ 56kb/s. Doanh thu ngành công nghệ thông tin Việt Nam khi đó chỉ khoảng 560 triệu USD, trong đó doanh thu phần mềm ước tính chỉ đạt 50 triệu USD với khoảng 5.000 lập trình viên. Ở Việt Nam thời điểm đó, cả ngành CNTT có khoảng 250 doanh nghiệp tin học và phần lớn các doanh nghiệp khi đó có ngành nghề kinh doanh là buôn bán máy tính, linh kiện và phần mềm của nước ngoài.

Cựu Chủ tịch VINASA đã nhắc lại nỗi trăn trở của những người làm CNTT ở thời điểm đó: “Chúng ta không thể đi bán máy tính mãi được. Ấn Độ, Trung Quốc đang phát triển công nghệ phần mềm mạnh mẽ, doanh thu hàng chục tỷ USD. Việt Nam dân số trẻ, thông minh, giỏi toán, không lẽ lại chịu thua, không lẽ lại chịu nghèo hèn mãi sao?”.

Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam, tiền thân của VINASA ra đời thể hiện khát vọng cháy bỏng của các kỹ sư công nghệ nhằm ghi tên Việt Nam trên bản đồ thế giới. Khi ông Bình cũng các thành viên sáng lập thành lập VINASA, mục tiêu được Hiệp hội đặt ra khi ấy là ngành công nghiệp phần mềm sẽ mang 500 triệu USD doanh thu về cho tổ quốc. Và đến nay, sau tròn 20 năm, con số ấy đã lên tới hơn 9 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập VINASA

Ảnh: Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập VINASA

Tham dự buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã chúc mừng và gửi lời cảm ơn tới VINASA vì những đóng góp cho ngành CNTT Việt Nam suốt 20 năm qua. Bộ trưởng Hùng mong muốn 10 năm tới, VINASA có những khởi tạo mới định hướng cho các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam: “Trước hết, VINASA cần nhận lấy sứ mệnh quốc gia, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số và đưa Việt Nam thành nước phát triển có thu nhập cao vào giữa thế kỷ 21”.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Ảnh: Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Trong phần chia sẻ định hướng của VINASA những năm tới, ông Nguyễn Văn Khoa – Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Việt Nam nhấn mạnh, VINASA đang hướng đến mục tiêu đưa ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT cán mốc 50 tỷ USD doanh thu trong 10 năm và 150 tỷ USD trong 20 năm nữa.

Doanh nghiệp công nghệ Việt và nỗ lực thúc đẩy ngành CNTT nước nhà

Hiện nay, doanh thu ngành CNTT Việt Nam năm 2021 đã đạt 136 tỷ USD, gấp hơn 200 lần so với những năm 2000, với tốc độ tăng trưởng bình quân 30% mỗi năm. Tổng số lao động trong ngành hiện trên 1,2 triệu người, năng suất lao động cao hơn 7 – 8 lần so với năng suất lao động bình quân cả nước.

Với khát vọng, niềm tự hào cùng tinh thần đoàn kết, sự dấn thân của nhiều thế hệ những người làm phần mềm, dịch vụ CNTT nước nhà, VINASA đã có hơn 500 doanh nghiệp Hội viên là các doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành chiếm hơn 70% tổng doanh thu của ngành.

Là một trong những hội viên tích cực của VINASA, BRAVO luôn có trách nhiệm trong các hoạt động của Hiệp hội như tham gia, hỗ trợ tổ chức, hỗ trợ quảng bá, để các hoạt động của VINASA có sự lan tỏa đến nhiều người, nhiều ngành nghề lĩnh vực trong cuộc sống. BRAVO luôn không ngừng nỗ lực phát triển các sản phẩm, giải pháp công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT và góp sức kết nối xây dựng cộng đồng công nghệ Việt lớn mạnh.

Ảnh: BRAVO vinh dự nhận danh hiệu Top 10 ICT 2022

Nhiều năm liền liên tiếp BRAVO vinh dự được đón nhận loạt danh hiệu cao quý: TOP Doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam (năm 2015, 2016, 2017, 2018, 2019, 2020,2021); Sản phẩm và dịch vụ Phần mềm ERP BRAVO (ERP-VN) nhận danh hiệu TOP 10 Sao Khuê (năm 2016, 2017, 2019, 2021, 2022) và danh hiệu Sao Khuê (năm 2018, 2020). Việc đón nhận những danh hiệu cao quý trong những năm qua tiếp tục khẳng định uy tín của BRAVO về quy mô, năng lực quản lý, chất lượng sản phẩm – dịch vụ, cụ thể trong lĩnh vực Giải pháp Phần mềm quản trị doanh nghiệp.

Tiên TT

Xem thêm:

>> BRAVO vinh dự vào TOP 10 Doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2022

>> BRAVO 8R2 (ERP-VN) vinh dự nhận TOP 10 Giải thưởng Sao Khuê 2022

News

Tin tức liên quan

    tư vấn khách hàng