Bảo hiểm xã hội vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội, cũng thể hiện trách nhiệm của các doanh nghiệp với người lao động của mình. Việc tính bảo hiểm xã hội khá đơn giản, tuy nhiên cũng cần phải tuân thủ đúng những quy định của pháp luật. Cụ thể bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cách tính bảo hiểm xã hội.
1. Hướng dẫn cách tính bảo hiểm xã hội 1 lần
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 hướng dẫn cách tính bảo hiểm xã hội 1 lần phải tuân thủ các vấn đề sau:
“2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.”
Các bước để tính bảo hiểm xã hội 1 lần như sau:
Thứ nhất, xác định số tháng được hưởng;
Thứ hai, xác định mức bình quân tiền lương;
Tuy nhiên, không phải đối tượng nào cũng được hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng trợ cấp một lần:
“a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;
b) Ra nước ngoài để định cư;
c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
d) Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.”
2. Hướng dẫn tính bảo hiểm xã hội thai sản
Bảo hiểm xã hội thai sản là một vấn đề mà nhiều người quan tâm, dưới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn cách tính bảo hiểm xã hội thai sản theo quy định hiện hành.
- Điều kiện hưởng chế độ thai sản: Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau:
– Lao động nữ mang thai
– Lao động nữ sinh con
– Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ
– Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi
– Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản
– Lao động nam đang đóng bảo hiểm có cợ sinh con
· Trình tự Giải quyết hưởng chế độ thai sản:
– Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động.
– Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con thì nộp hồ sơ và xuất trình sổ BHXH cho cơ quan BHXH
– Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ cho cơ quan BHXH.
– Trách nhiệm của cơ quan giải quyết BHXH
+) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan BHXH phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động
+) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con, cơ quan BHXH phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.
- Hướng dẫn cách tính bảo hiểm thai sản (mức hưởng chế độ thai sản)
– Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc. Nếu thời gian đóng BHXH không liên tục thì được cộng dồn
– Trường hợp lao động nữ đi làm cho đến thời điểm sinh con mà tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ việc, bao gồm cả tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.