Facebook, LinkedIn, Twitter hay Instagram hiện đều là những mạng xã hội phổ biến nhất mà nhà tuyển dụng lẫn ứng viên sử dụng để gặp nhau.
Bên cạnh các kênh tuyển dụng truyền thống, thì ngày càng nhiều nhà tuyển dụng chuyển sang tìm kiếm và tiếp cận ứng viên tiềm năng thông qua sử dụng mạng xã hội như Facebook, LinkedIn, Twitter hay Instagram.
Bà Phạm Lan Khanh, người sáng lập kiêm CEO nền tảng FreelancerViet cho biết, hiện nay, tuyển dụng kỹ thuật số thường bao gồm tuyển dụng qua website, qua các trang tuyển dụng uy tín kết hợp với mạng xã hội. Tuy rằng có nhiều mạng xã hội, cách kết nối khác nhau nhưng không phải tất cả đều phù hợp để tuyển dụng. Chẳng hạn như, khi nói đến tuyển dụng kỹ thuật số thì LinkedIn rất phổ biến nhưng đây không phải nền tảng duy nhất giúp tìm kiếm các ứng viên hàng đầu; Facebook, Twitter và Instagram có thể tiếp cận ứng viên đa dạng hơn, thậm chí chúng còn hỗ trợ nhà tuyển dụng trong việc xây dựng thương hiệu.
Với sự phổ biến về người dùng, Facebook được đánh giá là công cụ linh hoạt cho một chiến dịch tuyển dụng có quy mô của những doanh nghiệp lớn. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, sự phổ biến của Facebook với nhóm tuổi từ 18 đến 65 khiến nền tảng xã hội này trở nên đặc biệt hữu ích khi nhà tuyển dụng muốn thu hút một lượng lớn các ứng viên đa dạng, từ nhiều nhóm nhân khẩu học. Hơn nữa, việc lọc dữ liệu ứng viên tiềm năng dựa trên vị trí địa lý, sở thích và lượt thích của họ cũng giúp doanh nghiệp tăng khả năng quảng bá thương hiệu tuyển dụng của mình. Tuy nhiên, “Facebook cũng có nhược điểm là độ tin cậy không cao nên khi chạy tuyển dụng trên mạng xã hội này, các doanh nghiệp cần có chiến lược tuyển dụng rõ ràng và suy nghĩ sáng tạo với nhiều nội dung mới, khác biệt. Bên cạnh đó phải kèm theo link web của công ty hoặc form để ứng viên điền thông tin ứng tuyển nhằm tăng độ tin cậy”, bà Khanh cung cấp thêm.
Cho đến nay thì LinkedIn vẫn là mạng xã hội chuyên nghiệp phổ biến nhất, được sử dụng cho tuyển dụng kỹ thuật số. Trong một báo cáo chính thức gần đây cho thấy 86% nhà tuyển dụng xem LinkedIn là kênh tuyển dụng tốt nhất. Lý do là bởi mạng xã hội LinkedIn rất chuyên nghiệp, đó cũng là nơi các chuyên gia trình bày tiểu sử nghề nghiệp của họ, kết nối với những người khác và tìm kiếm cơ hội việc làm mới. Cho nên, LinkedIn trở thành nơi săn lùng ứng viên hoàn hảo với các nhà tuyển dụng.
Còn với Twitter, trên thế giới thì họ sử dụng rất nhiều, nhưng mạng xã hội này vẫn chưa thật sự phổ biến tại Việt Nam. Vì thế, đây là kênh “tiếp thị” hiệu quả cho các ứng viên nào mà có mong muốn làm những công việc của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Thêm vào đó, Twitter cũng là nền tảng xã hội kết hợp nhiều tính năng tốt nhất của mạng xã hội cá nhân và mạng chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho nhà tuyển dụng tìm và liên hệ với ứng viên chuyên nghiệp trong một môi trường rộng lớn, ít rào cản hơn so với LinkedIn. Ngoài ra, nó cho phép nhà tuyển dụng kiểm tra chi tiết hơn tính cách của các ứng viên qua tương tác của họ. Tuyển dụng bằng Twitter thường không tốn tiền, tuy nhiên, Twitter cũng có những nhược điểm là nội dung bài đăng có “tuổi thọ” ngắn vì nền tảng này tập trung vào phản ứng với sự kiện trong thời gian thực. Cho nên, nhà tuyển dụng sẽ phải đăng tin và tiếp cận ứng viên liên tục nếu muốn chiến dịch tuyển dụng thành công.
Nếu nhà tuyển dụng muốn có được danh sách ứng viên trẻ, giỏi về ngoại ngữ, công nghệ và các kỹ năng nghề nghiệp hiện đại khác thì chọn Instagram. “Instagram không thực sự phổ biến với các nhà tuyển dụng nhưng nền tảng có hơn 1 tỉ người dùng này có đến 67% người dùng từ 18 đến 29 tuổi sử dụng thường xuyên. Điều đó khiến nó trở thành một mạng xã hội tuyển dụng tiềm năng tập trung vào các ngành công nghiệp sáng tạo”, bà Khanh chia sẻ.
Như vậy, có thể thấy Facebook cho phép tiếp cận ứng viên đa dạng, LinkedIn thì tập trung hoàn toàn vào tuyển dụng và thích hợp để tuyển ứng viên nhiều kinh nghiệm, chuyên gia, Twitter giúp tuyển dụng nhanh, trong khi Instagram tập trung vào ứng viên trẻ và sáng tạo. Vì vậy, doanh nghiệp hãy cân nhắc sử dụng nền tảng mạng xã hội phù hợp cho các chiến lược tuyển dụng của mình, tránh phân bổ nguồn lực sai dẫn đến thiếu hiệu quả.
>> Tham khảo: Quản lý, theo dõi hồ sơ ứng viên trên Phần mềm nhân sự BRAVO
>> Tin liên quan: Lời giải cho bài toán nguồn nhân lực trong đại dịch
Theo NLĐ