Tiêu chuẩn trình độ đào tạo các ngạch công chức chuyên ngành kế toán


Kế toán là nghề rất phổ biến hiện nay không chỉ trong các doanh nghiệp mà với các đơn vị hành chính sự nghiệp thì các kế toán viên cũng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu tổ chức. Với những kế toán viên thuộc các đơn vị hành chính sự nghiệp lại có những quy định, tiêu chuẩn riêng dành cho các ngạch công chức ngành kế toán. Trong bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu về các vấn đề đó.


1. Thông tin cơ bản về công chức chuyên ngành kế toán hiện nay


Theo quy định hiện hành thì ngạch công chức chuyên ngành kế toán có 04 ngạch, đó là:


  • Kế toán viên cao cấp (mã số ngạch 06.029),

  • Kế toán viên chính (mã số ngạch 06.030),

  • Kế toán viên (mã số ngạch 06.031),

  • Kế toán viên trung cấp (mã số ngạch 06.032).


So với các quy định trước đây thì số lượng ngạch công chức chuyên ngành kế toán giảm 02 ngạch. Nghĩa là quy định mới đã bỏ không còn Kế toán viên cao đẳng (mã số ngạch 06a.031) và Kế toán viên sơ cấp (mã số ngạch 06.033).


Lưu ý rằng, với công chức hiện đang giữ ngạch kế toán viên sơ cấp, tính đến trước ngày 01/01/2020, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn cụ thể như sau:


  • Trường hợp có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên, nghĩa là người đó đã đáp ứng đủ tiêu chuẩn của ngạch kế toán viên trung cấp thì lúc này được xem xét, quyết định bổ nhiệm vào ngạch này;

  • Trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, nghĩa là người đó đáp ứng đủ tiêu chuẩn của ngạch kế toán viên thì sẽ được miễn điều kiện về thời gian giữ ngạch khi thi nâng ngạch lên kế toán viên;

  • Trường hợp chưa có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên thì lúc này phải tiếp tục hưởng theo hệ số lương hiện hưởng trong thời gian 06 năm kể từ ngày 01/01/2020. Lưu ý trong thời gian này, cơ quan sử dụng công chức phải bố trí công chức đi đào tạo thêm cho cán bộ để đáp ứng tiêu chuẩn của ngạch.

  • Trường hợp dưới 55 tuổi với nam, và 50 tuổi với nữ thì tổ chức cần bố trí đi đào tạo để đáp ứng tiêu chuẩn của ngạch công chức kế toán viên trung cấp trở lên; Song song với đó nếu được cử đi học nhưng không tham gia học hay kết quả không đạt yêu cầu thì sẽ bị tinh giản biên chế;

  • Trường hợp từ đủ 55 trở lên với nam, và 50 trở lên với nữ mà không có nhu cầu hay không được cử đi đào tạo thì lúc này cần được bảo lưu chế độ, chính sách của ngạch kế toán viên sơ cấp cho đến khi cá nhân này đủ tuổi nghỉ hưu.


Theo quy định hiện hành thì lương của công chức ngành kế toán hiện nay như sau:


  • Kế toán viên cao cấp được xếp lương theo công chức loại A3 – nhóm A3.2;

  • Kế toán viên chính được xếp lương theo công chức loại A2 – nhóm A2.2;

  • Kế toán viên được xếp lương theo công chức loại A1;

  • Kế toán viên trung cấp được xếp lương theo công chức loại A0.


Có thể bạn quan tâm: 2020: Những ngày không làm việc vẫn được hưởng nguyên lương


2. Tiêu chuẩn của 1 kế toán viên thông thường


Đã làm kế toán thì dù ở bất cứ vị trí nào hay thuộc bất cứ cơ quan, tổ chức nào đều cần có những tiêu chuẩn, cụ thể như sau:


  • Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật. Đây là phẩm chất vô cùng quan trọng với những người nắm các thông tin tài chính quan trọng trong các cơ quan, tổ chức.

  • Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán. Tiêu chuẩn này giúp người làm nghề có khả năng đáp ứng được yêu cầu cao trong công việc.


Bên cạnh đó, người kế toán cũng cần nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong công việc để thực hiện tốt, cụ thể như sau:


  • Người làm kế toán có quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán.

  • Người làm kế toán có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán. Do đó việc cập nhật thường xuyên các quy định của nhà nước là vô cùng cần thiết.

  • Khi thay đổi người làm kế toán, người làm kế toán cũ có trách nhiệm bàn giao công việc kế toán cũng như tài liệu kế toán cho người làm kế toán mới.

  • Người làm kế toán cũ phải chịu trách nhiệm về công việc kế toán trong thời gian mình làm kế toán, khi cần hỗ trợ từ kế toán mới thì sẵn sàng giúp đỡ.


Nhà nước cũng quy định cụ thể về những người không đủ tiêu chuẩn làm kế toán, cụ thể như sau:


  • Người chưa thành niên; người bị Tòa án tuyên bố hạn chế hay đã bị mất năng lực hành vi dân sự; người đang phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

  • Người đang bị cấm hành nghề kế toán theo bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án tích.

  • Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp luật, của người đứng đầu, của giám đốc, tổng giám đốc cũng như của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc, phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính – kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán, trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các trường hợp khác do Chính phủ quy định.

  • Người đang là người quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán, trừ trong doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các trường hợp khác do Chính phủ quy định.


3. Làm rõ Thông tư 77/2019/TT-BTC về Tiêu chuẩn trình độ đào tạo các ngạch công chức chuyên ngành kế toán


Ngày 11/11/2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 77/2019/TT-BTC quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ. Hiện nay đây là quy định mới nhất về các quy định liên quan đến ngạch công chức chuyên ngành kế toán.


So với trước đây là Thông tư số 09/2010/TT-BNV ngày 11/9/2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ thì Thông tư số 77/2019/TT-BTC có nhiều nội dung mới, trong đó có tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ với công chức ngạch kế toán.


Dưới đây là những điểm mới về tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ với công chức ngạch kế toán theo Thông tư 77/2019/TT-BTC:


Kế toán viên cao cấp (mã số 06.029):


  • Thuộc chuyên ngành kế toán, kiểm toán, tài chính với bằng đại học trở lên.

  • Có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hay cao cấp lý luận chính trị – hành chính hoặc cử nhân chính trị hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận tương đương cao cấp lý luận chính trị của cơ quan có thẩm quyền;

  • Kế toán viên cao cấp cũng cần có đầy đủ chứng chỉ chương trình bồi dưỡng ngạch kế toán viên cao cấp;

  • Có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 4 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT.

  • Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT hoặc thay vào đó là các chứng chỉ tin học ứng dụng tương đương.


Kế toán viên chính (mã số 06.030):


  • Thuộc chuyên ngành kế toán, kiểm toán, tài chính với bằng đại học trở lên.

  • Có chứng chỉ chương trình bồi dưỡng ngạch kế toán viên chính;

  • Có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT.

  • Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT hay thay vào đó là các chứng chỉ tin học ứng dụng tương đương.


Kế toán viên (mã số 06.031):


  • Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành kế toán, kiểm toán, tài chính;

  • Có chứng chỉ chương trình bồi dưỡng ngạch kế toán viên;

  • Có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 2 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT hoặc có chứng chỉ bồi dưỡng tiếng dân tộc do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có thẩm quyền cấp đối với công chức đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số;

  • Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT hoặc chứng chỉ tin học ứng dụng tương đương.


Kế toán viên trung cấp (mã số 06.032):


  • Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc chuyên ngành kế toán, kiểm toán, tài chính; (Trước đó quy định có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành tài chính kế toán);

  • Có chứng chỉ chương trình bồi dưỡng ngạch kế toán viên trung cấp;

  • Có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 1 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT hoặc có chứng chỉ bồi dưỡng tiếng dân tộc do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có thẩm quyền cấp đối với công chức đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số;

  • Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT hoặc chứng chỉ tin học ứng dụng tương đương.


Xem thêm: Đặc điểm và cách sử dụng Top 05 phần mềm kế toán thông dụng


Kế toán là nghề nghiệp mơ ước của rất nhiều người và cũng là nghề quan trọng với xã hội. Mỗi người để phát triển tốt trong sự nghiệp của mình cần có những lộ trình và mục tiêu phấn đấu cụ thể. Với nghề kế toán thì việc cập nhật những thông tư, chính sách mới của nhà nước liên quan đến công việc của mình là điều vô cùng quan trọng. Chúc các bạn kế toán viên luôn thành công.

News

Tin tức liên quan

    tư vấn khách hàng