Thuế TNCN là một trong những loại thuế vô cùng quan trọng, và cũng giống như các loại thuế khác nó phải tuân thủ theo các quy định của nhà nước. Thêm vào đó, các quy định này thường xuyên thay đổi nên bản thân các doanh nghiệp và người làm nghề phải chú tâm để cập nhật và áp dụng. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc cập nhập chính sách mới: Cá nhân làm việc tại khu kinh tế không còn được giảm thuế TNCN.
1. Một số kiến thức cơ bản về thuế TNCN
-
Một vài góc nhìn về thuế TNCN trên thế giới và lịch sử của thuế TNCN tại Việt Nam
Thuế thu nhập cá nhân đã được áp dụng từ lâu ở các nước phát triển, đối tượng nộp thuế này là mọi dân cư trong nước và người nước ngoài có thu nhập phát sinh ở nước sở tại không phân biệt nghề nghiệp và địa vị xã hội. Ðồng thời, tùy theo tính chất của các khoản thu nhập cá nhân, người ta chia thu nhập làm hai loại: thu nhập thường xuyên và thu nhập không thường xuyên để tính thuế cho phù hợp.
Hiện nay trên thế giới có 02 phương pháp đánh thuế: Có nước tính thuế vào từng khoản thu nhập thực tế của mỗi cá nhân, có nước tính thuế trên tổng thu nhập của cả hộ gia đình:
– Cách thứ nhất được áp dụng phổ biến ở Anh, Nhật, Thụy Ðiển, các nước Châu Phi, Liên Xô, Hunggari, Tiệp Khắc…
– Cách thứ hai được áp dụng ở Pháp, Hà Lan…
Như vậy, thuế thu nhập cá nhân là lại thuế trực thu đánh vào thu nhập chính đáng của từng cá nhân.
Ở miền Nam Việt Nam trước 1975, chính quyền Sài Gòn đã áp dụng thuế thu nhập cá nhân nhưng với tên gọi là thuế lợi tức lương bổng năm 1962 và sau đó được cải cách vào năm 1972.
Ngày 27/12/1990, Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (Income Tax on high – Income earner) và đã được ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Ðể cho phù hợp với tình hình thực tế của từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, từ đó đến nay đã có 05 lần sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao: lần thứ nhất vào ngày 10/3/1992, lần thứ hai vào ngày 1/6/1994, lần thứ ba vào ngày 6/2/1997, lần thứ 4 vào ngày 30/6/1999 và lần thứ năm vào ngày 13/6/2001 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2001).
-
Chức năng, vai trò của thuế thu nhập cá nhân.
Mục tiêu của việc ban hành và áp dụng Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao là:
– Góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước
– Góp phần thực hiện công bằng xã hội
-
Đối tượng phải nộp thuế TNCN
Cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú tại Việt Nam có thu nhập chịu thuế là những đối tượng đánh thuế TNCN, cụ thể như sau:
– Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập.
– Đối với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.
-
Các trường hợp được miễn thuế TNCN
Có rất nhiều khoản thu nhập không phải chịu thuế TNCN mà pháp luật cũng đã quy định rõ tại Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 4 Nghị định 65/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 91/2014/NĐ-CP. Các khoản thu nhập đó là:
– Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (BĐS) giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ…;
– Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất;
– Thu nhập từ giá trị quyền sử dụng đất của cá nhân được Nhà nước giao đất
– Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là BĐS giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ.
– Phần tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương làm việc ban ngày, làm trong giờ theo quy định của pháp luật;
– Thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ;
Có thể bạn quan tâm: Một số điểm mới về thực hiện thuế GTGT và thuế TNCN
2. Thông tư 128 về việc cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú làm việc, kinh doanh tại Khu kinh tế sẽ được giảm thuế TNCN.
-
Người nộp thuế và phạm vi áp dụng
Người nộp thuế được giảm thuế thu nhập cá nhân theo hướng dẫn tại Thông tư này là cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân, làm việc tại Khu kinh tế, cụ thể gồm:
– Cá nhân ký hợp đồng lao động với Ban quản lý Khu kinh tế, cơ quan quản lý Nhà nước tại Khu kinh tế và thực tế làm việc tại Khu kinh tế.
– Cá nhân ký hợp đồng lao động với tổ chức, cá nhân có cơ sở kinh doanh tại Khu kinh tế và thực tế làm việc tại Khu kinh tế.
– Cá nhân ký hợp đồng lao động với tổ chức, cá nhân ngoài Khu kinh tế, nhưng được cử đến làm việc tại Khu kinh tế để thực hiện các hợp đồng kinh tế do tổ chức, cá nhân ngoài Khu kinh tế ký kết với Ban quản lý khu kinh tế, cơ quan quản lý Nhà nước tại Khu kinh tế hoặc với tổ chức, cá nhân có hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh tại Khu kinh tế.
– Cá nhân, nhóm cá nhân có địa điểm kinh doanh cố định tại Khu kinh tế, thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại Khu kinh tế.
– Cá nhân ký hợp đồng lao động với tổ chức tại Khu kinh tế và thực tế làm việc tại Khu xử lý chất thải độc hại của Khu kinh tế mà theo quy định của Nhà nước về môi trường và quy hoạch Khu kinh tế được phê duyệt thì Khu xử lý chất thải độc hại này phải đặt ngoài Khu kinh tế.
-
Thu nhập chịu thuế làm căn cứ giảm thuế
Thu nhập làm căn cứ tính số thuế thu nhập cá nhân được giảm theo hướng dẫn tại Thông tư này gồm:
– Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công mà cá nhân nhận được do làm việc tại Khu kinh tế được Ban quản lý Khu kinh tế, cơ quan quản lý Nhà nước tại Khu kinh tế hoặc tổ chức, cá nhân có cơ sở kinh doanh tại Khu kinh tế trả.
– Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của cá nhân được cử đến làm việc tại Khu kinh tế nhận được do tổ chức, cá nhân ngoài Khu kinh tế trả để thực hiện các hợp đồng kinh tế ký kết với Ban quản lý Khu kinh tế, cơ quan quản lý Nhà nước tại Khu kinh tế hoặc tổ chức, cá nhân có hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh tại Khu kinh tế.
– Thu nhập chịu thuế từ hoạt động sản xuất kinh doanh tại Khu kinh tế của cá nhân, nhóm cá nhân được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại Khu kinh tế.
– Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của cá nhân nhận được do làm việc tại khu xử lý chất thải độc hại của Khu kinh tế đặt ngoài Khu kinh tế.
Việc xác định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ kinh doanh thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
– Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 10 năm 2014 và thay thế Thông tư số 176/2009/TT-BTC ngày 09 tháng 9 năm 2009 của Bộ Tài chính.
– Cá nhân kinh doanh tại Khu kinh tế trước ngày 01/01/2009 có phát sinh thu nhập từ kinh doanh đang thực hiện hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp đến hết ngày 31/12/2008 mà vẫn đang trong thời gian được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp thì chuyển sang được tiếp tục hưởng ưu đãi miễn thuế thu nhập cá nhân cho hết thời gian miễn thuế còn lại, sau đó sẽ hưởng ưu đãi giảm 50% thuế thu nhập cá nhân theo hướng dẫn tại Thông tư này.
3. Làm rõ thông tư 42/2019/TT-BTC có hiệu lực thi hành thì quy định này đã bị bãi bỏ. (thông tư này có hiệu lực vào ngày 26/8/2019)
Thông tư 42/2019/TT-BTC nêu rõ:
– Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;
– Căn cứ Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế;
– Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
– Căn cứ Quyết định số 01/2018/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc bãi bỏ Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư bãi bỏ Thông tư số 128/2014/TT-BTC ngày 05 tháng 9 năm 2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc giảm thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân làm việc tại Khu kinh tế.
Điều 1. Bãi bỏ Thông tư số 128/2014/TT-BTC ngày 05 tháng 9 năm 2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc giảm thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân làm việc tại Khu kinh tế.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 8 năm 2019.
Như vậy, chúng ta có thể thấy, khi thông tư 42/2019/TT-BTC có hiệu lựa thì các cá nhân đối với cá nhân làm việc tại Khu kinh tế sẽ không còn được giảm thuế TNCN nữa.
Hy vọng với những thông tin trên, bạn đọc có thể có thêm nhiều kiến thức về thuế TNCN.
Có thể bạn quan tâm: Phần mềm kế toán BRAVO