Nếu người bán lựa chọn sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thì phải có trách nhiệm thông báo cho người mua về định dạng của HĐĐT, đồng thời cách thức truyền nhận HĐĐT theo thỏa thuận giữa người bán và người mua.
Trước những vướng mắc của nhiều doanh nghiệp trong việc sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) thay cho hóa đơn giấy, cụ thể là bất cập trong việc giao HĐĐT cho khách hàng. Nếu ngành Điện không giao (tải) HĐĐT cho khách hàng trong trường hợp bên mua chưa thanh toán có đúng với quy định của pháp luật hay không (Công ty không có lịch sử nợ tiền điện)?
Về vấn đề này, Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính đã có ý kiến trả lời như sau:
Điểm a, Khoản 2, Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC, hướng dẫn việc lập hóa đơn: “Ngày lập hoá đơn đối với hoạt động cung cấp nước sinh hoạt, điện sinh hoạt, dịch vụ truyền hình, dịch vụ viễn thông, thực hiện chậm nhất không quá bảy (7) ngày kế tiếp kể từ ngày ghi chỉ số điện, nước tiêu thụ trên đồng hồ…”.
Tại Khoản 1, Điều 4 Thông tư số 32/2011/TT-BTC, hướng dẫn cụ thể nguyên tắc sử dụng, điều kiện của tổ chức khởi tạo HĐĐT như sau:
“Trường hợp người bán lựa chọn sử dụng HĐĐT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán có trách nhiệm thông báo cho người mua về định dạng HĐĐT, cách thức truyền nhận HĐĐT giữa người bán và người mua (nêu rõ cách thức truyền nhận HĐĐT là truyền trực tiếp từ hệ thống của người bán sang hệ thống của người mua; hoặc người bán thông qua hệ thống trung gian của tổ chức cung cấp giải pháp HĐĐT để lập hóa đơn và truyền cho người mua)”.
Cách gửi Hóa đơn điện tử: có thể gửi trực tiếp hoặc qua trung gian
Khoản 2, Điều 8 Thông tư số 32/2011/TT-BTC, hướng dẫn các hình thức gửi HĐĐT:
– Gửi HĐĐT trực tiếp: Người bán hàng hóa, dịch vụ (tổ chức khởi tạo HĐĐT) thực hiện lập HĐĐT tại hệ thống phần mềm lập HĐĐT của người bán, ký điện tử trên hóa đơn rồi truyền trực tiếp đến hệ thống của người mua theo cách thức truyền nhận HĐĐT mà hai bên đã thỏa thuận.
Trường hợp người mua hàng hóa, dịch vụ là đơn vị kế toán thì người mua ký điện tử trên HĐĐT nhận được và truyền HĐĐT có đủ chữ ký điện tử cả hai bên cho người bán theo cách thức truyền nhận HĐĐT đã thỏa thuận giữa hai bên.
– Gửi thông qua tổ chức trung gian cung cấp giải pháp HĐĐT: Người bán hàng hóa, dịch vụ (tổ chức khởi tạo hóa đơn) truy cập vào chương trình hệ thống lập HĐĐT của tổ chức trung gian cung cấp giải pháp HĐĐT để khởi tạo, lập HĐĐT bằng chương trình lập HĐĐT của tổ chức trung gian cung cấp giải pháp HĐĐT hoặc người bán hàng hóa, dịch vụ đưa dữ liệu HĐĐT đã được tạo từ hệ thống nội bộ của người bán vào hệ thống của tổ chức trung gian cung cấp giải pháp HĐĐT để gửi cho người mua HĐĐT đã có chữ ký điện tử của người bán thông qua hệ thống của tổ chức trung gian cung cấp giải pháp HĐĐT.
Trường hợp người mua là đơn vị kế toán, khi nhận được HĐĐT có chữ ký điện tử của người bán, người mua thực hiện ký điện tử trên HĐĐT nhận được và gửi cho người bán HĐĐT có đủ chữ ký điện tử của người mua và người bán thông qua hệ thống của tổ chức trung gian cung cấp giải pháp HĐĐT”.
Căn cứ quy định trên, trường hợp người bán lựa chọn sử dụng HĐĐT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán có trách nhiệm thông báo cho người mua về định dạng HĐĐT, cách thức truyền nhận HĐĐT theo thỏa thuận giữa người bán và người mua.
Thời hạn thanh toán căn cứ theo thỏa thuận HĐ dân sự giữa người bán và người mua.
Có thể bạn quan tâm:
>> Hóa đơn điện tử như thế nào được xem là hợp pháp?
Theo Báo Chính phủ