Đóng các khoản trích theo lương


Cũng như các tháng khác trong năm, tháng 9 kế toán cũng sẽ có những đầu mục công việc cố định cần phải thực hiện. Một trong số các công việc quan trọng đó phải kể đến việc tính toán và đóng nộp các khoản trích theo lương của từng cán bộ nhân viên đầy đủ và kịp thời. Đây là một công việc không quá phức tạp, tuy nhiên đòi hỏi sự cẩn thận và chính xác cao. Kế toán viên cần nắm rõ về cách thức để tính toán các khoản trích và thời gian đóng nộp cho đúng theo quy định.


Các khoản trích theo lương bao gồm các khoản trích đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH); Bảo hiểm y tế (BHYT); Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tính theo mức lương của người lao động. Doanh nghiệp sẽ tính toán và trích nộp hàng tháng lên các cơ quan liên quan.


1. Các chính sách mới nhất về các khoản trích theo lương


Trước tiên các bạn cần nắm rõ các chính sách mới nhất về các khoản trích theo lương dưới đây:


1.1. Thông tin liên quan đến các khoản Bảo hiểm trích theo lương


a. Đối tượng người lao động bắt buộc tham gia các loại bảo hiểm


Căn cứ theo quy định tại Điều 4, điều 13, điều 17, điều 21 Quyết định 595/QĐ-BHXH đối tượng người lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc bao gồm:


  • Người lao động ký kết Hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa đơn vị với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động (Không phân biệt số lượng lao động đơn vị đang sử dụng).

  • Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

  • Từ ngày 1/1/2018 trở đi: Những người làm việc theo Hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng phải tham gia.

  • Người lao động đồng thời có từ 02 Hợp đồng lao động trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì:


+ Đóng BHXH, BHTN theo HĐLĐ giao kết đầu tiên.


+ Đóng BHYT theo HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất.


b. Tỷ lệ các khoản Bảo hiểm trích theo lương:


Áp dụng theo quy định tại điều 5, điều 14, điều 18 và điều 22 của Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14 tháng 4 năm 2017, quy định về tỷ lệ trích Bảo hiểm theo lương chi tiết như sau:



Người lao động sẽ trích tỷ lệ 10,5% trên tổng mức lương tham gia BHXH của mình.


Doanh nghiệp phải trích đóng 21,5 % Tổng mức lương tham gia BHXH của người lao động.


  • Như vậy hàng tháng, Doanh nghiệp sẽ phải nộp BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho Cơ quan BHXH Quận, huyện với tỷ lệ: 32% Tổng mức lương tham gia BHXH.


c. Mức tiền lương đóng các khoản Bảo hiểm các khoản trích theo lương.


  • Mức tiền lương đóng BHXH tối thiểu:


+ Người lao động làm công việc hoặc chức danh đơn giản trong điều kiện lao động bình thường thì mức tiền lương đóng BHXH bắt buộc hàng tháng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.


+ Người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng;


+ Người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.


>>> Cập nhật mới nhất những thay đổi về mức lương tối thiểu vùng


  • Mức tiền lương đóng BHXH tối đa:


+ Tối đa, mức tiền lương đóng BHXH không vượt quá 20 lần mức lương cơ sở.


+ Tối đa, mức tiền lương tháng đóng BHTN bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng.


Mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2019 được quy định cụ thể là 1.490.000 đ/tháng.


d. Hạch toán các khoản trích theo lương


  • Hạch toán các khoản Bảo hiểm trích theo lương của người lao động, bút toán ghi:


Nợ TK 334: Tổng số trích trừ vào lương (10,5%)


         Có TK 3383: Trích BHXH (8%)


         Có TK 3384: Trích BHYT (1.5%)


         Có TK 3386: Trích BHXH thất nghiệp (1%)


  • Hạch toán các khoản trích mà doanh nghiệp phải nộp thay người lao động:


Nợ TK 622, 623, 627, 641, 642: Trích BH + KPCĐ (Kinh phí công đoàn)


    Có TK 3383: Trích BHXH


    Có TK 3384: Trích BHYT


    Có TK 3386: Trích BHTN


    Có TK 3382: Trích KPCĐ


  • Khi nộp tiền bảo hiểm, bút toán ghi:


Nợ TK 3383: Số đã trích BHXH


Nợ TK 3384: Số đã trích BHYT


Nợ TK 3386: Số đã tích BHTN


Nợ TK 3382: Số tiền KPCĐ phải nộp


       Có TK 111 hoặc 112: Số tiền thực nộp


1.2. Thông tin liên quan đến thuế Thu nhập cá nhân trích nộp theo lương


Các bước tính Thuế Thu nhập cá nhân theo lương:


Bước 1: Tính thu nhập chịu thuế


Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập – Các khoản miễn thuế


Tổng thu nhập là tất cả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công, phụ cấp.


Các khoản miễn thuế được quy định tại Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 và luật sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật về thuế 2014.


Bước 2: Tính Thu nhập tính thuế:


Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ


Các khoản giảm trừ được quy định tại Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Điều 15 Thông tư 92/2015/TT-BTC


Bước 3: Tính Thuế TNCN phải nộp:


Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế (TNTT) x Thuế suất


Thuế suất tính thuế TNCN theo quy định mới nhất:


a. Đối với người lao động ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên:



Trong đó:


Thu nhập tính thuế = Tổng thu nhập – (Các khoản miễn thuế + Các khoản giảm trừ + Các khoản không chịu thuế).


b. Cá nhân cư trú ký HĐLĐ dưới 3 tháng hoặc không ký HĐLĐ


Cá nhân cư trú không ký HĐLĐ hoặc ký HĐLĐ dưới 3 tháng có tổng mức trả thu nhập từ 2.000.000 đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập.


Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế x 10%


c. Cá nhân không cư trú


Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định bằng thu nhập chịu thuế x thuế suất 20%.


Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế x 20%


Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung đề cập tới việc trích nộp thuế Thu nhập cá nhân theo lương của người Lao động để các bạn nắm được tỷ lệ và tính toán trích nộp.


Những kiến thức và các chính sách liên quan tới vấn đề Thuế thu nhập cá nhân sẽ rất rộng. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm thông tin đầy đủ về vấn đề này tại đây.


2. Công việc kế toán tháng 9: Đóng các khoản trích theo lương


2.1. Thời hạn và địa điểm đóng nộp các khoản Bảo hiểm trích theo lương


  • Đóng hàng tháng: Với các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức thông thường sẽ phải đóng nộp các khoản trích theo lương theo kỳ hàng tháng và chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng. Tức là trong tháng 9, thời hạn đóng các khoản Bảo hiểm trích nộp muộn nhất cho các doanh nghiệp sẽ rơi vào ngày 30/09. Đơn vị trích tiền đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của từng người lao động theo mức quy định. Số tiền sẽ được chuyển một lần vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.

  • Đóng 03 tháng hoặc 06 tháng một lần: Đơn vị là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì đóng theo phương thức hàng tháng hoặc 03 tháng, 06 tháng một lần. Chậm nhất đến ngày cuối cùng của kỳ đóng 31/09 (đối với đơn vị có kỳ đóng 3 tháng một lần) đơn vị phải chuyển đủ tiền vào quỹ BHXH.

  • Nơi đóng tiền các khoản trích theo lương BHXH: Đơn vị đóng trụ sở chính ở địa bàn tỉnh nào thì đăng ký tham gia đóng BHXH tại địa bàn tỉnh đó theo phân cấp của BHXH tỉnh. Chi nhánh của doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn nào thì đóng BHXH tại địa bàn đó hoặc đóng tại Công ty mẹ.


2.2. Thời hạn và địa điểm đóng nộp khoản thuế TNCN trích theo lương của Người lao động (Nếu có)


Căn cứ theo quy định tại điều 16 Thông tư 156/2013/TT-BTC về Khai thuế, nộp Thuế Thu nhập cá nhân thì: Nếu có phát sinh khấu trừ thuế TNCN trong tháng hoặc quý thì Doanh nghiệp cần phải kê khai khuế TNCN theo tháng hoặc quý. Hình thức kê khai được xác định một lần kể từ tháng đầu tiên có phát sinh khấu trừ và áp dụng cho cả năm.


  • Thời hạn nộp Tờ khai thuế TNCN quy định như sau:


+ Doanh nghiệp kê khai thuế TNCN theo tháng: Chậm nhất vào ngày thứ 20 của tháng tiếp theo. Như vậy trong tháng 8, nếu doanh nghiệp trả thu nhập có phát sinh thuế TNCN thì hạn cuối cùng đến ngày 20/09 doanh nghiệp phải nộp tiền thuế TNCN và tờ kê khai.


+  Doanh nghiệp kê khai thuế TNCN theo quý: Chậm nhất vào ngày thứ 30 của quý tiếp theo. Như vậy trong Quý 3, nếu doanh nghiệp trả thu nhập có phát sinh thuế TNCN và chưa đóng nộp thì hạn cuối cùng đến ngày 30/10 doanh nghiệp phải nộp tiền thuế TNCN và tờ kê khai cho Quý 3.


  • Hồ sơ kê khai thuế TNCN theo Quý và Tháng: Tờ khai TNCN quy định theo mẫu 05/KK-TNCN. Và Doanh nghiệp phải lập và nộp online qua website nhantokhai.gdt.gov.vn bằng chữ ký số của Doanh nghiệp.


Xem thêm:


>>> Phân hệ Quản lý – Tài chính Kế toán BRAVO 8


>>> Giải pháp Phần mềm ERP (BRAVO 8 ERP-VN)


 

News

Tin tức liên quan

    tư vấn khách hàng