Hướng dẫn chi tiết cách giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế


Mới đây (ngày 6/8/2019), thông qua Công văn số 62331/CT-TTHT, Cục Thuế TP. Hà Nội đã hướng dẫn Công ty TNHH Moddec Việt Nam về cách để giảm trừ gia cảnh, giảm trừ bản thân và người phụ thuộc.


Cục Thuế TP. Hà Nội lấy dẫn chứng được quy định tại Thông tư số 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài Chính về hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế TNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN.



Cách giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế


Thông tư số 111/2013/TT-BTC cho biết: tại một thời điểm (tính đủ theo tháng), nếu người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công, hoặc từ kinh doanh thì người nộp thuế lựa chọn tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một nơi.


Người nộp thuế được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong trường hợp người nộp thuế đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế (MST). Khi đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc, người nộp thuế sẽ được cơ quan thuế cấp MST cho người phụ thuộc và được tạm tính giảm trừ gia cảnh trong năm kể từ khi đăng ký. Trường hợp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành mà người phụ thuộc đã được đăng ký giảm trừ gia cảnh thì tiếp tục được giảm trừ gia cảnh cho đến khi được cấp MST.


Trường hợp  trong năm tính thuế, người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc thì kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc, thì được tính giảm trừ cho người phụ thuộc. Các trường hợp người phụ thuộc khác, thời hạn đăng ký giảm trừ gia cảnh chậm nhất vào ngày 31/12 của năm tính thuế, nếu quá thời hạn trên sẽ không được tính giảm trừ gia cảnh cho năm tính thuế đó.


>> Nhiều lợi ích khi sử dụng phần mềm ERP BRAVO


Theo Thông tư số 111/2013/TT-BTC, mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế. Trường hợp nhiều người nộp thuế có chung người phụ thuộc phải nuôi dưỡng thì người nộp thuế tự thỏa thuận để đăng ký giảm trừ gia cảnh vào một người nộp thuế.


Khi đăng ký người phụ thuộc lần đầu, để làm căn cứ tính giảm trừ cho người phụ thuộc, người nộp thuế có thu nhập từ tiền lương, tiền công phải đăng ký người phụ thuộc theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế. Sau đó, người nộp thuế nộp hai bản cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập.


Tổ chức, cá nhân trả thu nhập nộp một bản đăng ký cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý và lưu giữ một bản đăng ký cùng thời điểm nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân của kỳ khai thuế đó theo quy định của luật quản lý thuế.


Cũng theo Thông tư số 111/2013/TT-BTC, khi có thay đổi (tăng/giảm) về người phụ thuộc, người nộp thuế cần thực hiện khai bổ sung thông tin thay đổi của người phụ thuộc theo mẫu ban hành, kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế và nộp cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập hoặc cơ quan thuế đối với người nộp thuế thuộc diện khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế.


Tóm lại: Trường hợp người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh thì tại một thời điểm tính đủ theo tháng người nộp thuế cần lựa chọn tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một nơi. Khi có thay đổi (tăng, giảm) về người phụ thuộc thì người nộp thuế thực hiện kê khai bổ sung thông tin thay đổi của người phụ thuộc theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế và nộp cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập theo quy định.


Có thể bạn quan tâm:


>> Hướng dẫn bù trừ tiền thuế nộp thừa hoặc nhầm với tiền thuế nợ


Theo Tạp chí tài chính


 

News

Tin tức liên quan

    tư vấn khách hàng