Nghị định 126/2020/NĐ-CP về luật quản lý thuế mới nhất

Để các đơn vị có thể hiểu và áp dụng đúng Luật Quản lý thuế cho các hoạt động liên quan, Chính phủ đã ban hành Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết nội dung một số điều của Luật Quản lý thuế số 38, trong đó có một số điểm mới mà người nộp thuế cần lưu ý.

Kể từ ngày 5/12/2020, Nghị định 126/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Với nhiều điểm mới, nghị định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và giảm thiểu chi phí tuân thủ thủ tục hành chính về thuế.

>> Xem và tải về Nghị định 126/2020/NĐ-CP tại đây.

Các trường hợp không yêu cầu nộp hồ sơ khai thuế

Nếu như Nghị định 83/2013/NĐ-CP chưa có nội dung đề cập đến vấn đề này, thì tại Nghị định mới, người nộp thuế (NNT) thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ không phải nộp hồ sơ khai thuế:

– NNT có hoạt động kinh doanh thuộc trong đối tượng không chịu thuế đã được pháp luật về thuế quy định đối với từng loại thuế.

– Cá nhân có khoản thu nhập được miễn thuế đã được pháp luật về thuế thu nhập cá nhân quy định, cũng như quy định tại Điểm b, Khoản 2 Điều 79 Luật Quản lý thuế. Không xét trường hợp cá nhân nhận thừa kế, hay quà tặng là bất động sản; thực hiện chuyển nhượng BĐS.

– Doanh nghiệp chế xuất không phải nộp hồ sơ khai thuế GTGT nếu chỉ có hoạt động xuất khẩu.

– NNT đã tạm ngừng công tác sản xuất kinh doanh theo quy định tại Điều 4 Nghị định 126/2020.

– NNT nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực MST, trừ trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng, tổ chức lại DN đã được quy định trong khoản 4 Điều 44 Luật Quản lý thuế.

Cách xác định kê khai thuế GTGT, thuế TNCN theo quý

Theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP, người nộp thuế phải tự xác định mình thuộc đối tượng khai thuế theo quý và thực hiện khai thuế theo quy định. Cụ thể, nếu người nộp thuế thỏa mãn tiêu chí kê khai thuế theo quý sẽ được lựa chọn khai thuế theo tháng hoặc khai thuế quý ổn định trọn năm dương lịch.

Trong trường hợp, NNT đang thực hiện khai thuế theo tháng mà hội tụ đủ điều kiện để khai thuế theo quý và có nguyện vọng chuyển sang khai thuế theo quý, thì NNT gửi văn bản đề nghị thay đổi kỳ tính thuế đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Thời gian gửi chậm nhất là ngày 31/1 của năm bắt đầu khai thuế theo quý. Sau thời hạn này mà NNT không gửi văn bản đến cơ quan thuế, thì phải tiếp tục thực hiện khai thuế theo tháng ổn định trọn năm dương lịch.

Nếu NNT tự phát hiện mình không đủ điều kiện thực hiện khai thuế theo quý, thì phải thực hiện khai thuế theo tháng kể từ tháng đầu của quý tiếp theo. Lúc này, NNT không phải nộp lại hồ sơ khai thuế theo tháng của các quý trước đó, tuy nhiên vẫn cần nộp Bản xác định số tiền thuế phải nộp theo tháng tăng thêm so với số đã kê khai theo quý, đồng thời tính tiền chậm nộp theo quy định.

Đối với trường hợp NNT không đủ điều kiện khai thuế theo quý mà bị cơ quan thuế phát hiện, thì cơ quan thuế phải xác định lại số tiền thuế phải nộp theo tháng tăng thêm so với số NNT đã kê khai. Đồng thời, cơ quan thuế phải tính tiền chậm nộp theo quy định. Khi đó, NNT phải thực hiện khai thuế theo tháng kể từ thời điểm nhận được văn bản của cơ quan thuế.

>>> Áp dụng quy định kiểm tra 100% hồ sơ khai thuế theo tháng, quý.

Về địa điểm nộp hồ sơ khai thuế áp dụng với NNT có nhiều hoạt động, kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh

Nội dung này được quy định rõ tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Cụ thể, địa điểm nộp là cơ quan thuế nơi có hoạt động kinh doanh khác tỉnh, thành phố nơi có trụ sở chính đối với các trường hợp sau đây:

– Khai thuế GTGT của dự án đầu tư đối tại nơi có dự án đầu tư (áp dụng cho trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 7 Nghị định 126).

– Khai thuế GTGT đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS của dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà để chuyển nhượng tại nơi có hoạt động chuyển nhượng BĐS.

– Khai thuế GTGT tại nơi có nhà máy sản xuất điện.

– Khai thuế tiêu thụ đặc biệt tại nơi sản xuất, gia công hàng hoá hoặc nơi cung ứng dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Không áp dụng với hoạt động kinh doanh xổ số điện toán.

Trường hợp NNT trực tiếp nhập khẩu hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, rồi sau đó bán trong nước thì NNT phải khai thuế tiêu thụ đặc biệt với cơ quan thuế quản lý trực tiếp nơi NNT có trụ sở chính.

– Khai thuế bảo vệ môi trường theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 11 Nghị định 126, tại nơi sản xuất hàng hoá chịu thuế bảo vệ môi trường. Không áp dụng với thuế bảo vệ môi trường của hoạt động kinh doanh xăng dầu.

– Khai thuế bảo vệ môi trường tại nơi có cơ sở sản xuất, kinh doanh than (áp dụng cho cả trường hợp tiêu dùng nội bộ), không tính thuế bảo vệ môi trường quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 11 Nghị định 126.

– Khai thuế tài nguyên (trừ thuế tài nguyên của hoạt động sản xuất thủy điện trong trường hợp lòng hồ thủy điện của nhà máy thủy điện nằm chung trên các địa bàn cấp tỉnh; khai thác tài nguyên không thường xuyên đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoặc không thuộc trường hợp phải cấp phép theo quy định của pháp luật; hoạt động khai thác, xuất bán dầu thô; hoạt động khai thác, xuất bán khí thiên nhiên và thuế tài nguyên của tổ chức được giao bán tài nguyên bị bắt giữ, tịch thu).

– Khai phí bảo vệ môi trường tại nơi khai thác khoáng sản (trừ dầu thô, khí thiên nhiên và khí than; tổ chức thu mua gom khoáng sản từ người khai thác nhỏ lẻ).

– Khai thuế TNDN tại nơi có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh có thu nhập được hưởng ưu đãi thuế TNDN.

– Khai lệ phí môn bài ở nơi có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh.

Quyền và nghĩa vụ của NNT trong thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh

Trong thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh thì NNT không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp NNT tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch, hoặc năm tài chính. Các đối tượng này vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm.

Đối tượng tạm ngừng hoạt động, kinh doanh là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán được cơ quan thuế xác định lại nghĩa vụ thuế khoán theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Ngoài ra, khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh người nộp thuế cần lưu ý những vấn đề sau đây:

  • Không được sử dụng hóa đơn và không phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn. Trường hợp NNT được cơ quan thuế chấp thuận sử dụng hoá đơn theo quy định của pháp luật về hoá đơn thì phải nộp hồ sơ khai thuế, nộp báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn theo quy định.
  • Phải chấp hành các thông báo, quyết định từ cơ quan quản lý thuế về công tác đôn đốc thu nợ, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính và xử lý vi phạm hành chính về quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
  • Tiếp tục mở lại hoạt động kinh doanh đúng thời hạn đã đăng ký thì không cần thông bác với cơ quan nơi đã đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh.
  • NTT đã đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì không được phép đăng ký tạm ngừng hoạt động kinh doanh khi cơ quan thuế đã có Thông báo về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

Số thuế TNDN tạm nộp 3 quý không thấp hơn 75% số thuế cả năm

Điểm b Khoản 6 Điều 8 Nghị định 126 quy định, tổng số thuế TNDN mà NNT đã tạm nộp của 03 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm.

Trường hợp mà NNT nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 03 quý đầu năm thì phải thực hiện nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế TNDN quý 03 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.

Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế

Căn cứ quy định tại Điểm c Khoản 5 Điều 7 Nghị định 126 thì tổ chức có trách nhiệm khai thuế GTGT đối với toàn bộ khoản doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh đã được quy định bởi pháp luật về thuế. Đồng thời, quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh và khai thay, nộp thay thuế TNCN cho cá nhân hợp tác kinh doanh.

Đối với tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân là hộ kinh doanh, cá nhân thực hiện kinh doanh theo quy định tại khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế, mà có ngành nghề đang hoạt động cùng với ngành nghề hợp tác kinh doanh với tổ chức thì việc khai thuế do tổ chức và cá nhân tự thực hiện tương ứng với kết quả thực tế hợp tác kinh doanh theo quy định.

Xem thêm:

1. Nguyên tắc và cách thức kê khai bổ sung thuế GTGT

2. Chính sách thuế với các doanh nghiệp FDI.


News

Tin tức liên quan

    tư vấn khách hàng