Doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, do vậy mỗi quốc gia hiện nay đều có nhiều chính sách dành sự quan tâm đến nhóm các doanh nghiệp này. Hãy cùng bài viết đi tìm hiểu về nghị định 74/2019 NĐ-CP về việc tăng khoản vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ vừa được ban hành, xem nó có điểm gì mới nổi bật so với Nghị định 61/2015/NĐ-CP trước đây.
1. Tìm hiểu doanh nghiệp vừa và nhỏ
Căn cứ Điều 3 Nghị định 56/2009/NĐ-CP, thuật ngữ “doanh nghiệp vừa và nhỏ” là cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật. Dựa trên quy mô tổng nguồn vốn hoặc số lao động bình quân năm, doanh nghiệp vừa và nhỏ được chia thành 03 cấp: siêu nhỏ, nhỏ, vừa. Cụ thể được xác định thông qua các tiêu chí sau:
– Bên cạnh đó:
+ Tùy theo tính chất, mục tiêu của mỗi chính sách và các chương trình trợ giúp mà cơ quan chủ trì có thể cụ thể hóa các tiêu chí nêu trên cho phù hợp.
+ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan điều tra, tổng hợp và công bố số liệu thống kê về doanh nghiệp nhỏ và vừa hàng năm theo định nghĩa về doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại Nghị định này.
Đặc trưng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ:
–Về tính chất hoạt động kinh doanh: Doanh nghiệp vừa và nhỏ thường tập trung ở gần với người tiêu dùng hơn, tức là các khu vực chế biến và dịch vụ.
–Vấn đề nguồn lực vật chất: Theo đánh giá chung, các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị hạn chế bởi nguồn vốn, tài nguyên, đất đai và công nghệ, đồng thời có sự hạn hẹp trong các quan hệ với thị trường tài chính – tiền tệ. Nên quá trình tự tích luỹ thường đóng vai trò quyết định của mỗi doanh nghiệp này.
–Về năng lực quản lý điều hành: Do xuất phát từ nguồn gốc hình thành, tính chất, quy mô… các nhà quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ thường nắm bắt, bao quát và quán xuyến hầu hết các mặt của hoạt động kinh doanh. Họ được xem là nhà quản trị doanh nghiệp hơn là nhà quản lý chuyên sâu. Do vậy mà nhiều kỹ năng, nghiệp vụ quản lý trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn chưa thực sự đạt so với yêu cầu mặt bằng chung.
–Tính phụ thuộc hay bị động: Từ những đặc trưng nêu trên, dễ thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị thụ động nhiều hơn ở thị trường. Cơ hội “đánh thức”, “dẫn dắt” thị trường của họ rất nhỏ.
Trong nền kinh tế của mỗi quốc gia hiện nay, doanh nghiệp vừa và nhỏ được xem là “cỗ máy tạo việc làm”, đóng vai trò là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng. Vì sở hữu quy mô vừa và nhỏ, nên nhóm doanh nghiệp này có thể thích ứng kịp thời hơn đối với những thay đổi của tình hình thực tế, qua đó giúp nền kinh tế của mỗi quốc gia ứng phó tốt hơn với những biến động.
Tuy nhiên, cũng vì quy mô vừa và nhỏ của mình, nên đối tượng doanh nghiệp này cũng gặp phải nhiều bất lợi và khó khăn trong cạnh tranh với các doanh nghiệp và tập đoàn lớn. Vậy nên, Chính phủ của các quốc gia thường đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, mục đích tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp này phát triển và đóng góp nhiều hơn cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội chung của quốc gia.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015, quy định chi tiết về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm theo hướng nâng mức vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động. Nghị định số 74/2019/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 08/11/2019.
2. Sơ lược 1 số điều trong Nghị định 61/2015/NĐ-CP trước đây
Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ban hành ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm quy định Quỹ quốc gia về việc làm được sử dụng cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (cơ sở sản xuất, kinh doanh) và người lao động để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Theo đó:
Về đối tượng được vay vốn
Nghị định số 61/2015/NĐ-CP quy định đối tượng vay vốn gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ kinh doanh (gọi chung là cơ sở sản xuất, kinh doanh) và Người lao động.
Về mức vay và lãi suất cho vay
Thời điểm Nghị định 61/2015/NĐ-CP có hiệu lực, mức cho vay tối đa đối với người (NLĐ) được tạo việc làm là 50 triệu đồng, tăng 30 triệu đồng so với mức vay tối đa trước đây.
Mức vay tối đa là 01 tỷ đồng/01 dự án đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh vay. Nhưng nếu vay trên 50 triệu đồng phải có tài sản bảo đảm và không quá 50 triệu đồng cho 01 NLĐ được tạo việc làm.
Lãi suất cho vay thông thường được tính bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định. Nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật (hoặc) người dân tộc thiểu số (hoặc) người khuyết tật và người dân tộc thiểu số; NLĐ là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn và người khuyết tật vay vốn thì được hưởng lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ đã quy định.
Về thời hạn cho vay
Thời hạn vay vốn theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP được quy định mở là không quá 60 tháng (5 năm). Song thời hạn cụ thể là do Ngân hàng chính sách xã hội và đối tượng vay vốn tự thỏa thuận dựa vào nguồn vốn, chu kỳ SXKD cũng như khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn (ghi cụ thể trong Hợp đồng tín dụng).
3. Những điểm mới trong Nghị định 74/2019/NĐ-CP về việc tăng các khoản vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ
Trong điều kiện hiện nay, mức vay trên đã không còn phù hợp. Định mức vay hỗ trợ thấp cũng không phát huy được hiệu quả đối với nhu cầu vốn phát triển sản xuất ngày càng lớn của các đối tượng vay. Bởi vậy, ngày 23/9/11/2019 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm theo hướng nâng mức vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm với đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ kinh doanh và NLĐ. So với Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, các mức vay và thời hạn vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (cơ sở sản xuất, kinh doanh) và người lao động trung bình được tăng lên gấp đôi.
Nghị định mới chính thức có hiệu lực từ ngày 08/11/2019.
Một số nội dung đáng chú ý của Nghị định số 74/2019/NĐ-CP như sau:
Những nội dung được sửa đổi:
Bãi bỏ chức năng phân bổ nguồn vốn, giao chỉ tiêu thực hiện Quỹ quốc gia về việc làm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đối với các Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị – xã hội. (Khoản 1 Điều 1 Nghị định 74/2019/NĐ-CP)
Nâng hạn mức vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động. Theo đó, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng. (Khoản 2 Điều 1 Nghị định 74/2019/NĐ-CP)
Gia hạn thời hạn vay vốn tối đa đối với các đơn vị vay. Theo quy định mới, thời hạn vay vốn tối đa là 120 tháng. Thời hạn vay cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét, cân đối để thỏa thuận với đối tượng vay vốn. (Khoản 3 Điều 1 Nghị định 74/2019/NĐ-CP)
Bãi bỏ một số nội dung:
Bãi bỏ nội dung về xây dựng, phê duyệt kế hoạch vốn vay và chỉ tiêu việc làm đối với khoản cho vay ưu đãi của Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động (Khoản 10 Điều 1 Nghị định 74/2019/NĐ-CP).
Bãi bỏ nội dung về xây dựng, phê duyệt kế hoạch vốn vay đối với khoản vay ưu đãi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Khoản 17 Điều 1 Nghị định 74/2019/NĐ-CP).
Việc ban hành nghị định số 74/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Nghị định 61/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ việc làm và quỹ quốc gia về việc làm là hoàn toàn phù hợp. Nghị định mới này đã khắc phục những điểm chưa hợp lý của các quy định cũ, phù hợp hơn với thực tế đất nước cũng như tạo thêm nhiều động lực phát triển cho các doanh nghiệp cùng người lao động.
Có thể bạn quan tâm:
>>> Điều kiện vay vốn từ Quỹ phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ.
>>> Vai trò của kế toán quản trị hàng tồn kho trong doanh nghiệp siêu nhỏ.