Nhiều tin vui cho doanh nghiệp từ cam kết giảm phí của Chính phủ


Lời cam kết giảm phí cho doanh nghiệp đã được Thủ tướng đưa ra trong bài phát biểu với cộng đồng doanh nghiệp cả nước.


Sáng 17/05, cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp cả nước đã diễn ra, đây được xem như “Hội nghị Diên Hồng” trong lĩnh vực kinh tế.


Nhận định tình hình còn nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp, trong đó có cả việc nhũng nhiễu, hạch sách của một bộ phận cán bộ công chức, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ nỗ lực hết mình để cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, bền vững và bình đẳng: “Tôi muốn nói tinh thần lớn với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp yên tâm rằng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ phải xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh tốt, thân thiện với kinh doanh, nhưng tôi cũng muốn nhắc lại lời của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh rằng, chúng ta hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”.


Cam kết giảm phí, giảm thanh tra kiểm tra không quá 1 lần/năm


Trước khi phát biểu kết luận, người đứng đầu Chính phủ đã mang đến thông tin khiến cộng đồng doanh nghiệp vui mừng khi ông cho biết: “Hôm nay, người ta nói rất nhiều về thanh tra, kiểm tra chồng chất. Tôi đã yêu cầu các cơ quan xây dựng ngay một Chỉ thị là không được thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng. Chỉ thị này đã được ký ngay lúc 13h chiều nay, mang số 20 và sẽ được công bố ngay sau đây”.


Về cải cách thủ tục hành chính và tạo điều kiện đầu tư kinh doanh, Thủ tướng cho biết mô hình hành chính công của nhiều địa phương đã giảm thiểu thời gian đi lại, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Các tỉnh, địa phương trong cả nước cần tích cực triển khai, thực hiện kê khai nộp thuế điện tử, tiếp cận các dịch vụ công: đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, khai báo thuế, hải quan… những chi phí này đang có xu hướng giảm. Cụ thể là năm 2015 là 28%, năm 2016 giảm còn 18,8%, năm 2017 và những năm tiếp theo tiếp tục giảm.


Đặc biệt, Chính phủ tiếp tục rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp như chi phí thủ tục hành chính về thuế, hải quan, giấy phép, phí BOT, chi phí về logicstic, chi phí sử dụng các công trình dịch vụ công, nhất là chi phí kiểm định, thẩm định, giám định, các chi phí kiểm tra khác của Nhà nước. Đây là những khoản đang đè nặng lên doanh nghiệp mà chúng ta phải nghiên cứu để giảm bớt cho doanh nghiệp. 


Thủ tướng cam kết Chính phủ sẽ tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật, bao gồm cả việc bảo đảm môi trường chính trị và vĩ mô ổn định, bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật, cải cách thể chế để làm sao mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, không phân biệt công hay tư. Theo Thủ tướng, 2017 sẽ là năm giảm phí cho doanh nghiệp, xóa bỏ sự ưu ái công – tư, thu hồi nguồn lực đang được sử dụng lãng phí để phân bổ lại nhằm cải thiện năng suất. Các nguồn lực sẽ được chuyển giao cho các thành phần kinh tế để tối ưu hóa, chứ không chỉ ưu tiên cho doanh nghiệp Nhà nước.


Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp


Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp “Đồng hành cùng doanh nghiệp” ngày 17/05/2017


Thực hiện thanh toán điện tử để chống tham nhũng


Trước phần kết luận của Thủ tướng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, gần đây mỗi năm đều có những nghị quyết dành cho doanh nghiệp nhằm giải quyết nhiều vấn đề và liên quan nhiều bộ, ngành ở tất cả lĩnh vực. Các nội dung chính thường tập trung vào đất đai, tiếp cận vốn, và thủ tục hành chính: “Chúng ta đã làm ngày càng cụ thể, chỉ đạo rõ nhiệm vụ các bộ và bên dưới là đến các sở ở các cấp. Không để tình trạng ở trên nóng, ở dưới từ từ, coi như không phải việc của mình, thậm chí là lạnh như nhiều doanh nghiệp đã nói”.


Ông cũng yêu cầu các địa phương cần tăng cường đối thoại bởi chỉ thông qua đối thoại nhiều vấn đề mới được trao đổi, thảo luận thoải mái, rõ ràng. Theo Phó thủ tướng, điều các doanh nghiệp đang cần là sự thiết thực. Họ quan tâm đến chi phí có giảm không và làm sao để không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh chứ không phải ở số lượng cuộc họp được tổ chức.


Cùng với đó, Chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ quyết liệt hơn trong cuộc đấu tranh với tham nhũng. Điện tử hóa tất cả các dịch vụ công để tránh tiếp xúc trực tiếp, phát sinh tiêu cực là cách thức được đưa ra. Nhiều quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh đã được dỡ bỏ, tạo điều kiện hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển. Cụ thể, cơ quan này đã bãi bỏ Thông tư 37 quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may; ban hành Thông tư 24 quy định một số nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng trong đó bãi bỏ thủ tục xác nhận sự phù hợp với quy hoạch điện; sửa đổi, bổ sung Thông tư số 20 quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ôtô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống…


Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cũng khẳng định, công tác kiểm tra nhà nước, kiểm tra chuyên ngành đã đi được chặng đường rất xa trong việc cắt giảm thủ tục. Về thủ tục giải phóng hàng hóa nhập khẩu, dán nhãn hàng hóa cũng giải quyết căn bản theo hướng thuận lợi cho doanh nghiệp, không phải ghi nhãn phụ, xử lý ghi bổ sung sau khi hậu kiểm, thông thoáng hơn. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng đang sửa và sớm ban hành thông tư xuất nhập khẩu chuyển sang hết cơ chế hậu kiểm…


Một số lãnh đạo Chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an trong phần phát biểu trước đó tại hội nghị cũng đều khẳng định sẽ bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính nghiêm túc, bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.


Xem thêm bài viết khác:


>> Nhiều chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 4/2017.


Theo VnEconomy

News

Tin tức liên quan

    tư vấn khách hàng