Những công việc kế toán cần hoàn thành trong tháng 12/2018


Cuối năm là thời điểm bận rộn của các kế toán viên nói riêng và tất cả những nhân sự trong doanh nghiệp (DN) nói chung. Để không bỏ sót công việc quan trọng nào, kế toán viên cũng cần theo dõi những việc cần hoàn thành trong tháng 12 dưới đây.


Thông báo tình hình biến động lao động của doanh nghiệp


Theo Khoản 2 Điều 16 của Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH yêu cầu trước ngày 03 hàng tháng, doanh nghiệp phải thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc về tình hình biến động lao động làm việc tại đơn vị trong tháng. Cụ thể như sau:


  • Trước ngày 03 hàng tháng, người sử dụng lao động phải thông báo theo Mẫu số 29 ban hành kèm theo Thông tư này với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc về tình hình biến động lao động làm việc tại đơn vị nếu có (tính theo tháng dương lịch của tháng liền trước thời điểm thông báo).

  • Trường hợp, người sử dụng lao động giảm từ 50 lao động trở lên thì phải thông báo ngay với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.”


Như vậy, với tháng 12/2018, người phụ trách nhân sự của doanh nghiệp cần phải thực hiện nghĩa vụ này trước ngày 03/12/2018.


>> Xem thêm: Biến động nhân sự và những tính năng hỗ trợ trong phần mềm BRAVO.



Nộp hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân tháng 11/2018 (nếu có)


Đây là quy định đối với doanh nghiệp khai thuế theo tháng.


Điểm d, đ khoản 1 Điều 16 Thông tư 156/2013/TT-BTC quy định: Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo tháng chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế. Như vậy, trong tháng 12/2018 thì chậm nhất ngày 20 doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ này.


Tiết a.3, điểm a, khoản 1 Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định trách nhiệm khai và quyết toán thuế TNCN thay cho các cá nhân có ủy quyền, không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không thuộc về tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện chịu thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công.


Theo điểm a.2 khoản 1 Điều 16 Thông tư 156/2013/TT-BTC, việc khai thuế theo tháng hoặc quý chỉ xác định một lần kể từ tháng đầu tiên có phát sinh khấu trừ thuế và áp dụng cho cả năm tính thuế. Cụ thể như sau:


– Nếu trong tháng phát sinh số thuế TNCN phải nộp lớn hơn 50 triệu đồng thì kê khai theo tháng, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện khai thuế giá trị gia tăng theo quý.


– Nếu trong tháng phát sinh số thuế TNCN phải nộp nhỏ hơn 50 triệu đồng thì kê khai theo quý.


Dựa và các quy định trên, doanh nghiệp cần làm đúng để thực hiện nghĩa vụ đóng thuế với các cơ quan nhà nước.


Nộp hồ sơ khai thuế TNCN, GTGT


Đối tượng kê khai thuế GTGT theo tháng là những doanh nghiệp có tổng doanh thu của năm trước liền kề > 50 tỷ đồng.


Bộ Tài chính ban hành quy định này tại khoản 2, khoản 3 Điều 10 của Thông tư 156/2013/TT-BTC. Theo quy định này thì doanh nghiệp khai thuế theo tháng có nghĩa vụ nộp hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân, hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng tháng 11 chậm nhất vào ngày 20/12. Tờ khai thuế và các tài liệu liên quan làm căn cứ để người nộp thuế khai thuế, tính thuế với cơ quan thuế là những giấy tờ cần thiết trong hồ sơ kê khai này mà doanh nghiệp cần lưu ý.


Hồ sơ khai thuế GTGT theo tháng theo phương pháp khấu trừ là tờ khai thuế giá trị gia tăng mẫu số 01/GTGT.


Hồ sơ khai thuế GTGT tháng theo phương pháp trực tiếp trên GTGT là tờ khai thuế giá trị gia tăng theo mẫu số 03/GTGT.


Thuế là một trong những vấn đề vô cùng quan trọng đối với mọi doanh nghiệp, do đó kế toán cần đặc biệt lưu ý tới vấn đề này để tránh những sai sót khi làm việc với cơ quan thuế.


2 lưu ý khi kê khai đó là bạn cần lựa chọn tờ khai và kỳ kê khai phù hợp.


Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn


Nếu doanh nghiệp sử dụng hóa đơn tự in, đặt in có hành vi vi phạm không được sử dụng hóa đơn tự in, đặt in, doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế thuộc diện mua hóa đơn của cơ quan thuế phải thực hiện nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo tháng.


Trong tháng 12, các doanh nghiệp nêu trên phải báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn tháng 11 chậm nhất ngày 20/12/2018.


Trên đây là quy định tại Điều 27 của Thông tư 39/2014/TT-BTC và được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 5 của Thông tư 119/2014/TT-BTC.


Trích nộp tiền BHXH bắt buộc


Cán bộ nhân sự và cán bộ kế toán cần phối hợp với nhau để hoàn thành tốt vấn đề này, cụ thể việc trích nộp tiền BHXH được quy định như sau:


Khoản 1 Điều 7 của Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định, hàng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của từng người lao động theo mức quy định chuyển cùng lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.


Như vậy, doanh nghiệp cần lưu ý trích tiền đóng BHXH bắt buộc tháng 12/2018 chậm nhất vào ngày 31/12/2018.


Lưu ý năm 2018 có những thay đổi về vấn đề này, cụ thể như sau:


– Từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2017: Mức tiền lương đóng BHXH bắt buộc là mức lương và phụ cấp lương theo quy định tại Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.


– Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.


Do vậy, kế toán hết sức lưu ý để tránh nhầm lẫn với những năm trước.


Nộp kinh phí Công đoàn


Theo Điều 6 của Nghị định 191/2013/NĐ-CP, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng BHXH bắt buộc cho người lao động. Do đó, chậm nhất ngày 31/12/2018, doanh nghiệp cần phải thực hiện nghĩa vụ này.


Riêng doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả tiền lương theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh đóng kinh phí công đoàn có thể đóng theo tháng hoặc quý một lần cùng với thời điểm đóng BHXH bắt buộc cho người lao động trên cơ sở đăng ký với tổ chức công đoàn.


Với việc trích lập kinh phí Công đoàn, doanh nghiệp cần lưu ý vấn đề sau đây:


Mức đóng kinh phí công đoàn:


– Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng BHXH theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.


Cụ thể:


Số tiền KPCĐ phải nộp = 2% X Tổng số tiền lương của tất cả nhân viên tham gia BHXH.


Chú ý: Đó là mức đóng kinh phí công đoàn đối với DN.


– Nếu nhân viên tham gia tổ chức công đoàn cơ sở (Công đoàn cơ sở có thể được thành lập tại DN) thì nhân viên phải đóng thêm Đoàn phí công đoàn là: 1% mức tiền lương tham gia BHXH.


– DN có thể được lấy lại 65% số tiền Kinh phí công đoàn đã đóng -> Nếu có đầy đủ chứng từ thanh toán tiền cho NLĐ (Như chi thăm ốm đau, thăm hỏi sinh đẻ …).


Năm tài chính 2018 sắp kết thúc, các nhân sự trong doanh nghiệp cần lưu ý kỹ những vấn đề này để hoàn thành tốt công việc của mình. Đồng thời cũng cần nắm vững những quy định mới đã ban hành của năm 2018 để đảm bảo các thông tin, hoạt động của doanh nghiệp không bị mắc sai sót gì.


 

News

Tin tức liên quan

    tư vấn khách hàng