Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế quy định tại Luật số 106/2016/QH13 ngày 06/04/2016, với một số quy định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016 cụ thể như sau:
1. Về thuế giá trị gia tăng:
-
Về đối tượng không chịu thuế GTGT: Ngoài việc mở rộng đối tượng không chịu thuế đối với dịch vụ bảo trợ, an sinh xã hội như chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, Luật cũng quy định các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và các mặt hàng này ở khâu nhập khẩu thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Tại khâu kinh doanh tiếp theo, các doanh nghiệp, hợp tác xã mua các sản phẩm này để bán cho DN, HTX khác thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT nhưng được khấu trừ thuế GTGTđầu vào.
-
Về đối tượng chịu thuế suất thuế GTGT 0%: Không áp dụng thuế suất 0% và không khấu trừ thuế đầu vào đối với sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác; sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên.
-
Về quy định hoàn thuế GTGT:
– Không thực hiện hoàn thuế GTGT mà chuyển sang khấu trừ vào kỳ tiếp theo đối với cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng hoặc trong quý (trước đây nếu có số thuế GTGT đầu vào lũy kế 12 tháng chưa được khấu trừ hết sẽ được hoàn thuế).
– Không áp dụng hoàn thuế GTGT mà chuyển sang kỳ sau khấu trừ tiếp đối với trường hợp dự án đầu tư không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký, chưa đáp ứng hoặc duy trì đủ điều kiện kinh doanh của ngành nghề kinh doanh có điều kiện và dự án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản được cấp phép từ 01/07/2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên.
– Không áp dụng hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu mà không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật hải quan.
2. Về thuế tiêu thụ đặc biệt:
-
Về giá tính thuế TTĐB: giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở nhập khẩu bán ra như đang áp dụng đối với hàng hóa sản xuất trong nước (trước đây tính trên giá CIF (giá nhập khẩu) cộng (+) thuế nhập khẩu).
-
Về giá bán giữa các cơ sở kinh doanh có quan hệ công ty mẹ, công ty con: sẽ được quy định cụ thể tại Nghị định hướng dẫn Luật. Về biểu thuế, mức thuế TTĐB áp dụng đối với mặt hàng ô tô du lịch dưới 24 chỗ ngồi: bao gồm 14 mức, thấp nhất từ 5% và cao nhất là 150% và được quy định chi tiết theo (i) mức tiêu hao nhiên liệu qua dung tích xi lanh (cm3), (ii) số chỗ ngồi gắn với mục đích sử dụng xe và (iii) loại nhiêu liệu sử dụng có tác động ảnh hưởng đến môi trường.
3. Về quản lý thuế:
-
Về biện pháp cưỡng chế thuế: Chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế đối với trường hợp người nộp thuế đã được cơ quan quản lý thuế cho phép nộp dần tiền nợ thuế (giãn nộp thuế) trong thời hạn không quá 12 tháng, kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thuế. Việc nộp dần tiền nợ thuế phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng nhưng vẫn phải nộp lãi suất trả chậm tính trên số tiền thuế chậm nộp được cơ quan thuế cho giãn thời hạn nộp.
-
Về mức tiền chậm nộp thuế: giảm từ 0,05%/ngày xuống mức 0,03%/ngày, áp dụng kể từ ngày 01/07/2016, kể cả các khoản nợ tiền thuế phát sinh trước ngày 01/7/2016 mà người nộp thuế chưa nộp vào NSNN, nợ thuế được truy thu qua kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.
>> Thông tư 61/2016/TT-BTC hướng dẫn thu, nộp và quản lý khoản lợi nhuận, cổ tức được chia.