Thông tư 61/2016/TT-BTC Hướng dẫn thu, nộp và quản lý khoản lợi nhuận, cổ tức được chia…

Hướng dẫn thu, nộp và quản lý khoản lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp tại Thông tư số 61/2016/TT-BTC ngày 11/04/2016 của Bộ Tài chính.

Thông tư số 61/2016/TT-BTC ngày 11/04/2016 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thu, nộp và quản lý khoản lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 26 tháng 5 năm 2016 và áp dụng cho niên độ từ năm 2016 với một số quy định đáng chú ý sau:

1.    Đối với lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước:

    • Đối với Công ty con do Công ty mẹ nắm giữ 100% vốn Điều lệ và Công ty mẹ lại là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước: Công ty mẹ quyết định việc phân phối, sử dụng lợi nhuận sau thuế. Nếu sau khi đã phê duyệt báo cáo tài chính, phân phối lợi nhuận sau thuế và thu lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ của các công ty con mà vốn chủ sở hữu tại công ty con lớn hơn mức vốn điều lệ đã được công ty mẹ phê duyệt thì công ty mẹ thực hiện thu khoản chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ của công ty con về công ty mẹ và hạch toán doanh thu tài chính của công ty mẹ, xác định lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của công ty mẹ phải nộp NSNN.

 

    • Doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước phải nộp toàn bộ lợi nhuận sau khi phân phối các quỹ về ngân sách nhà nước. Lợi nhuận nộp về là lợi nhuận kế toán (đã trừ các khoản chi không được trừ khi xác định thuế TNDN) sau khi bù đắp lỗ năm trước, trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, nộp thuế TNDN, trừ đi các khoản phân phối, trích lập các quỹ theo quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP và Thông tư số 219/2015/TT-BTC.

 

    • Đối với cổ tức, lợi nhuận được chia của các công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên: Công ty mẹ ghi nhận các khoản cổ tức, lợi nhuận được chia vào doanh thu tài chính tại thời điểm nhận được thông báo chia cổ tức, lợi nhuận của Hội đồng quản trị/Nghị quyết của Hội đồng thành viên đã được các thành viên thông qua có hiệu lực thi hành. Nếu công ty mẹ nhận được cổ phiếu thưởng (từ nguồn thặng dư vốn cổ phần, quỹ thuộc vốn CSH) hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, doanh nghiệp mở sổ kế toán theo dõi, ghi chép số lượng cổ phiếu và phản ánh trên báo cáo tài chính theo quy định của chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành.

 

    • Doanh nghiệp thực hiện khai và tạm nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ vào NSNN chậm nhất vào ngày thứ 30 của quý liền sau và phải quyết toán, nộp toàn bộ 06 chậm nhất ngày thứ 90 của năm tài chính tiếp theo. Trường hợp chưa có quyết định công bố xếp loại doanh nghiệp để trích quỹ thì lấy theo báo cáo xếp loại của doanh nghiệp, sau khi có quyết định chính thức sẽ sửa đổi, bổ sung. Trường hợp chia tách, sáp nhập, giải thể phải quyết toán lợi nhuận sau thuế còn lại trong thời hạn 45 ngày. Các trường hợp nộp chậm lợi nhuận sau thuế sẽ phải nộp tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế.

 

2.    Đối với cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên có vốn do Bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu:

    • Lợi nhuận phải nộp về gồm cổ tức, lợi nhuận được chia trong năm tài chính (gồm cả số tạm chia trong năm và số các năm trước được chia trong năm) cho phần vốn nhà nước theo Nghị quyết đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Quyết định của Hội đồng thành viên.

 

    • Doanh nghiệp thực hiện khai, nộp cổ tức, lợi nhuận được chia theo mẫu quy định và thực hiện nộp NSNN trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày có thông báo chia cổ tức, lợi nhuận của công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên, đồng thời thực hiện nộp tờ khai về cổ tức, lợi nhuận được chia cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Việc chậm nộp bị xử lý tương tự như doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước nêu trên và tính trên 100% số tiền chậm nộp.

 

>> Các chính sách Tài chính – Kế toán mới nổi bật cập nhật T5/2016.

News

Tin tức liên quan

    tư vấn khách hàng