Chữ ký số – Phương thức giao dịch thời công nghệ


Chữ ký số (hay chữ ký điện tử) là giải pháp đã được Quốc tế và Việt Nam công nhận về tính pháp lý, có thể giải quyết triệt để các nguy cơ an ninh trong giao dịch trực tuyến, đặc biệt là giao dịch ngân hàng điện tử.


Dù mới chỉ được phát triển trên thế giới chưa lâu, chữ ký số đã nhanh chóng chứng minh được tính hiệu quả, bảo mật trên các giao dịch điện tử, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nhất là trong giai đoạn ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.


Chữ ký số tương đương với chữ ký tay, có các thuộc tính định danh và xác thực đúng nguồn gốc, đảm bảo được tính toàn vẹn của dữ liệu và đã được pháp luật công nhận. Chữ ký số sử dụng một cặp khóa: khóa bí mật (private key) và khóa công khai (public key). Khóa bí mật là một khóa trong cặp khóa thuộc hệ thống mã không đối xứng được dùng để tạo chữ ký số. Khóa công khai là một khóa trong cặp khóa thuộc hệ thống mã không đối xứng, được sử dụng để xác thực chữ ký số. Không thể sử dụng khóa công khai để tìm ra khóa bí mật.



Hiện nay, chữ ký số được xem như một phương tiện hữu hiệu để các ngân hàng tăng cường tính cạnh tranh trong thời đại công nghệ 4.0. Khác với văn bản giấy có chữ ký bằng tay, những văn bản điện tử có thể chuyển theo đường truyền Internet và qua nhiều đơn vị xử lý trong một thời gian rất ngắn. Sử dụng chữ ký số và thực hiện những giao dịch điện tử cho phép tiết kiệm thời gian, sức lực và tăng hiệu quả lao động nhưng vẫn đảm bảo tính pháp lý và tính toàn vẹn của dữ liệu cần bảo vệ.


Đối với khách hàng, sử dụng chữ ký số giúp giảm tình trạng giả mạo chữ ký, ngăn chặn khả năng làm giả tài liệu, cho phép xác định tác giả văn bản và tính nguyên gốc của văn bản.


Đối với ngân hàng, chữ ký số giúp các ngân hàng giảm thiểu chi phí đầu tư trong triển khai và mở rộng dịch vụ, tăng cường khả năng quản lý rủi ro hiệu quả. Bên cạnh đó, ứng dụng phương thức bảo mật này giúp xây dựng hình ảnh ngân hàng hiện đại, tin cậy và an toàn hơn.


Tại Việt Nam hiện nay đã có rất nhiều ngân hàng áp dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử  như: VietinBank, SacomBank, TechcomBank, VPBank… Tại các ngân hàng, chữ ký số đang được dùng lưu chuyển các văn bản điện tử có mẫu cố định như: các biểu mẫu đăng ký, thay đổi dịch vụ nội bộ; yêu cầu đổi mật khẩu, thay đổi thông tin người dùng và là giải pháp bảo mật quan trọng trong các kênh thanh toán giữa ngân hàng với bên thứ ba …


Như vậy, sự ra đời của chữ ký số là cơ sở khẳng định giá trị pháp lý của văn bản điện tử và cho phép thực hiện những giao dịch điện tử. Quyết định số 749/QĐ-TTg về “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến 2025, định hướng đến năm 2030” đã cụ thể các mục tiêu chuyển đổi số, trong đó lấy người dân là trung tâm, Chính phủ khuyến khích người dân số hóa mọi hoạt động cá nhân. Tuy nhiên, để chữ ký số thực sự trở nên phổ biến, thông dụng trong các hoạt động ngân hàng đồng thời phát huy những tính năng vượt trội và có thể thay thế tài liệu giấy thì vẫn cần nghiên cứu và khắc phục những hạn chế của chữ ký số; cần có thêm hành lang pháp lý hay những công cụ khác để khẳng định giá trị pháp lý của tài liệu điện tử. Điều này cần sự đầu tư nghiên cứu của các nhà khoa học, các chuyên gia và sự hỗ trợ của các cấp quản lý. Việc phát triển chữ ký số từ xa cho cá nhân sẽ góp phần gỡ bỏ nút thắt quan trọng cuối cùng trong số hóa nền kinh tế.


Theo ICT News


Xem thêm:


>> Công nghệ 4.0 là gì và ứng dụng nó trong doanh nghiệp

News

Tin tức liên quan

    tư vấn khách hàng