Có nên cài lại Windows sau một khoảng thời gian sử dụng hay không?


Nhiều người trong chúng ta luôn có cảm nhận Windows sẽ chạy chậm dần theo thời gian. Vì vậy, đây là động lực lớn lao để cất công cài lại hệ điều hành này, song liệu có cần thiết hay không? Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời qua bài viết sau đây.


 



Có một sự thật là việc cài lại Windows rất mất thời gian. Bạn không chỉ phải backup dữ liệu mà còn phải cài lại cả đống các ứng dụng thường dùng, khôi phục nhiều cài đặt cần thiết. Thế nhưng, nếu đây là cái giá đổi lại để máy tính chạy mượt hơn thì nhiều người trong chúng ta đã lựa chọn cách này.


Vậy, tại sao máy tính Windows lại chạy chậm dần?


– Một số chương trình khởi động cùng lúc với Windows: Khi cài thêm nhiều ứng dụng vào máy tính, trong đó có những dịch vụ yêu cầu khởi động cùng lúc với Windows chính là “thủ phạm” chính khiến thời gian khởi động của máy ngày một lâu hơn. Thậm chí cả những máy tính mới mua, còn có khả năng bị gánh thêm hàng tá các ứng dụng cài sẵn (bloatware) từ nhà sản xuất.


Ngoài ra, một số những nguyên nhân khác như:


Plug-in cho Explorer, dịch vụ chạy nền của ứng dụng từ bên thứ ba;


– Các ứng dụng bảo mật;


– Ứng dụng dọn dẹp máy tính (nghe hơi khó tin, nhưng chính các công cụ dọn dẹp hệ thống lại khiến máy tính của bạn chậm đi. Đó là sự thật);


– Các plug-in, ứng dụng cài thêm vào thanh toolbar trên trình duyệt.  Bởi các plug-in, ứng dụng cài đặt miễn phí thường kèm thêm nhiều tùy chọn tiện ích khách không mong muốn.


– Những loại rác khác như: Các file, registry của các ứng dụng đã bị gỡ bỏ, chuỗi còn sót lại trong ổ đĩa hệ thống… cũng là tác nhân gây nên tình trạng chậm đi của Windows.


– Đặc biệt, các phần mềm lậu (crack), rất dễ khiến máy tính của bạn nhiễm mã độc, virus. Nó không chỉ ảnh hưởng tới hiệu năng mà nguy hiểm hơn là ảnh hưởng cả tính năng bảo mật của thông tin cá nhân.



 


Cách để ngăn Windows chạy chậm theo thời gian?


Hãy lưu ý những điểm sau để giúp hệ điều hành Windows luôn chạy mượt mà, trơn tru:


– Chỉ cài đặt các phần mềm, ứng dụng cần thiết, tìm và lựa chọn tải từ các nguồn tin cậy.


– Cẩn trọng nếu muốn cài thêm các plug-in vào trình duyệt hay ứng dụng miễn phí. Lưu ý khi thực hiện các thao tác cài đặt, không nên bấm “next, next, next” tùy tiện mà phải chú ý đến nội dung.


– Thực hiện gỡ bỏ ngay những ứng dụng không dùng tới (trong các Apps của Settings trên hệ điều hành Windows 10; hay ứng dụng dạng bloatware đang có trong máy của bạn).


– Click chuột phải vào ổ đĩa cần dọn dẹp (thường là ổ C, ổ chứa Windows) > Properties > nhấp chọn Cleanup trong tab General để dọn rác tại ổ cứng.


– Chỉ nên dùng các ứng dụng bảo mật khi cần và chọn lựa đúng mục đích sử dụng.


– Quản lý, theo dõi chặt chẽ các ứng dụng khởi động cùng Windows bằng cách: trong Task Manager > chọn tab Startup (nó sẽ hiển thị các ứng dụng được nạp vào lúc khởi động hệ thống). Bạn check và bỏ đi các ứng dụng không quan trọng để cải thiện tốc độ khởi động của Windows, đảm bảo thời gian mở máy của bạn được ổn định trongsuốt thời gian dài sử dụng.



 


Mách bạn cách thoải mái thử các ứng dụng mới


Nhiều người thích thử khám phá và trải nghiệm các ứng dụng mới mà lại không muốn Window chạy chậm theo thì nên tạo một máy ảo (virtual Machine). Nó vừa giúp Windows bớt gánh nặng về quản lý phần mềm, đồng thời còn bảo toàn hệ thống tốt hơn nếu không may xảy ra sự cố.


 



Máy ảo – một  giải pháp tối ưu cho những ai test phần mềm, ứng dụng mới


Vậy khi nào thì nên cài lại Windows?


Nếu đã thực hiện đủ, đúng những việc trên thì bạn không cần phải cài lại Windows định kỳ nữa. Hãy cài lại Windows khi nâng cấp lên một phiên bản mới với nhiều thay đổi, cải tiến vượt bậc như bản Windows 10 October 2018 chẳng hạn. Hay nếu như máy tính bạn gặp quá nhiều lỗi và chậm chạm dù rằng đã áp dụng đủ mọi cách thì cài lại Windows cũng là giải pháp nên nghĩ tới.


Đây cũng là cách diệt trừ tận gốc các virus, bloatware, malware có trong máy của bạn. Tuy nhiên, sau khi cài xong, bạn hãy chú ý tới những biện pháp phòng ngừa để hiệu quả hơn.


Hướng dẫn cài đặt lại Windows 10 nhanh chóng


Mới đây, trong hệ điều hành mới nhất của mình, hãng Microsoft đã tích hợp chế độ Reset và Refresh. Với Reset thì nó sẽ xóa toàn bộ dữ liệu có trong ổ cứng, còn với Refresh thì chỉ xóa các ứng dụng được cài vào và đưa thiết lập hệ thống về mặc định chứ không đụng chạm gì tới dữ liệu cá nhân của người dùng. Đặc biệt, hai cách này đều không đòi hỏi bạn phải đút một cái đĩa CD/DVD hay USB chứa bộ cài vào máy vì chúng đều được tích hợp sẵn trong máy của bạn.


Với các hệ điều hành cũ hơn, người dùng có thể chọn phương thức tạo ảnh của hệ thống (hay còn gọi là ghost win) trong đó chứa cả những ứng dụng bạn thường sử dụng và có thể khôi phục khi cần thiết. Thao tác này sẽ tiết kiệm được khối thời gian so với việc bạn cài tay từng ứng dụng một.


Có thể bạn quan tâm:


>> Thủ thuật Windows: Cách thao tác Copy/Move tập tin cực nhanh.


Theo Cafebiz


 

News

Tin tức liên quan

    tư vấn khách hàng