Tốc độ phát triển vượt bậc của Internet và công nghệ đã khiến khái niệm “Metaverse” xuất hiện từ 30 năm trước trở thành chủ đề hot trong thời gian gần đây. Từ các Big Tech đến các nhà sản xuất chip, công ty giải trí trên khắp thế giới đều đang lên kế hoạch xây dựng metaverse – vũ trụ ảo được xem là tương lai công nghệ.
Metaverse là gì?
Thuật ngữ metaverse được tác giả Neal Stephensen đề cập từ năm 1992 trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Snow Crash. Nó mô tả một thế giới ảo, được tạo nên từ mạng Internet và các công cụ hỗ trợ thực tế ảo tăng cường (như VR, AR hoặc các công nghệ khác), giúp con người có được những trải nghiệm, tương tác chân thật nhất. Thuật ngữ bắt đầu thu hút sự chú ý khi được Mark Zuckerberg, CEO Meta, nhắc đến trong một sự kiện hồi tháng 6.
Theo SCMP, khái niệm “metaverse” trở nên phổ biến trong Covid-19 khi nhiều người phải ở nhà và nhu cầu giao tiếp online ngày càng cao. Báo cáo gần đây của Bloomberg ước tính, ngành công nghiệp metaverse sẽ đạt giá trị 800 tỷ USD vào năm 2024. Không chỉ những ông lớn công nghệ mới quan tâm đến vũ trụ ảo, nhiều công ty giải trí, startup từ nhiều nơi cũng đồng loạt thể hiện tham vọng theo đuổi tương lai công nghệ này. Và với sự tham gia của nhiều ông lớn công nghệ, Metaverse dự kiến sẽ trở thành những xu hướng lớn nhất trong lịch sử không chỉ của ngành công nghiệp blockchain, mà còn cả internet nói chung.
Metaverse hứa hẹn sẽ thay đổi thế giới thực như thế nào?
Một trong những ví dụ về vai trò của Metaverse là trong lĩnh vực giáo dục. Các lớp học trực tuyến đang ngày càng gia tăng qua các ứng dụng Zoom, Livestream… Tuy nhiên, việc theo dõi bài giảng trên màn hình máy vi tính không phải là một cách học tối ưu. Do vậy, nhiều trường đại học đang nghiên cứu cách thức mang VR vào học tập trực tuyến. Trong Metaverse, các trường đại học sẽ có toàn bộ khuôn viên ảo, nơi học sinh từ khắp nơi trên thế giới có thể học, làm việc và giao tiếp xã hội cả bên trong và bên ngoài lớp học.
Một ví dụ khác trong lĩnh vực Blockchain và Crypto là những game bất động sản Metaverse như Upland, Decentraland, Realbox… Các game này mô phỏng một thế giới thực, người dùng có thể mua, bán các bất động sản và phát triển bất động sản riêng của mình.
Một Metaverse hoàn toàn có thể mang đến cho người dùng những trải nghiệm và khám phá không giới hạn. Cùng với sự phát triển của công nghệ, ranh giới và sự khác biệt giữa cuộc sống thực và sự tồn tại ngoại tuyến trong Metaverse sẽ mờ dần, mở ra kỷ nguyên mới trên thế giới Internet, mang đến nhiều cơ hội và sự khác biệt so với thời đại trước đây. Và blockchain sẽ là công nghệ then chốt tạo ra sự khác biệt đó. Với những ưu điểm như tiết kiệm chi phí, tính bảo mật cao, bảo vệ dữ liệu không bị mất, giao dịch xuyên biên giới, đảm bảo sự minh bạch, tính chính xác, trung thực, giảm sai sót con người, Blockchain góp phần định hình tương lai của Metaverse.
Với tầm nhìn “Beyond the universe” của Metaverse, rất có thể trong tương lai tất cả các tài sản ở ngoài đời sống sẽ được mang lên Metaverse để tạo ra một thế giới song song đúng nghĩa (thậm chí còn có thể vượt lên trên nó).
Theo VnExpress & Nhịp sống doanh nghiệp
>> Đọc thêm: Bộ tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp SMEs sắp ra mắt