Mẫu quy chế tiền lương, thưởng và phụ cấp được xây dựng dựa trên một số văn bản có liên quan như: Công văn số 4320/LĐTBXH-TL; Nghị định số 49/2013/NĐ-CP; Nghị định 51/2016/NĐ-CP; Nghị định số 52/2016/NĐ-CP.
Nhân sự là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp. Sự ổn định trong hệ thống nhân sự sẽ chi phối khá nhiều đến tính hiệu quả. Để duy trì sự ổn định đó, không có cách nào khác là những người lãnh đạo cần áp dụng một mẫu quy chế về tiền lương, tiền thưởng và phụ cấp rõ ràng, minh bạch dành cho mọi vị trí nhân sự trong công ty. Mỗi đơn vị sẽ linh hoạt xây dựng một quy chế sao cho phù hợp nhất cho đặc thù doanh nghiệp mình, song vẫn có những quy định chung về mẫu quy chế làm cơ sở để doanh nghiệp áp dụng.
1. Cơ sở pháp lý của việc xây dựng mẫu quy chế tiền lương, tiền thưởng và phụ cấp
Mẫu quy chế tiền lương, thưởng và phụ cấp được xây dựng dựa trên một số văn bản có liên quan như: Công văn số 4320/LĐTBXH-TL; Nghị định số 49/2013/NĐ-CP; Nghị định 51/2016/NĐ-CP; Nghị định số 52/2016/NĐ-CP.
2. Quy trình xây dựng mẫu quy chế tiền lương, thưởng và phụ cấp
Việc xây dựng mẫu quy chế tiền lương, thưởng và phụ cấp cơ bản sẽ bao gồm 6 bước chính như sau:
Bước 1: Xác định kế hoạch về Quỹ tiền lương chi trả trong năm.
Việc xác định Quỹ tiền lương chi trả sẽ được tính toán dựa trên mục tiêu doanh thu mà doanh nghiệp sẽ đạt được. Là một chủ doanh nghiệp, bạn phải xác định được tỷ lệ phần trăm quỹ lương trên doanh thu là bao nhiêu thì hợp lý. Từ đó tùy thuộc vào tính chất từng bộ phận và vị trí để có sự phân bổ mức lương chi tiết sao cho hợp lý.
Bước 2: Xây dựng hệ thống và hệ số giãn cách
Trong bước này có 2 vấn đề trọng tâm mà bạn cần xây dựng: thống kê các chức danh cần có trong chuỗi vận hành của doanh nghiệp; và hệ số giãn cách (chênh lệch) giữa các vị trí để đảm bảo sự hợp lý. Để xác định được những nội dung này bạn cần có bản mô tả công việc và yêu cầu cho từng vị trí. Bản mô tả cần đầy đủ các thông tin chi tiết về: trình độ học vấn, kinh nghiệm chuyên môn, kỹ năng và kiến thức liên quan. Từ đó xác định chức danh và mức lương phù hợp theo định mức chung trên thị trường lao động.
Bước 3: Lựa chọn cách thức tính lương chi trả cho người lao động
Theo tính chất mỗi vị trí công việc, mỗi bộ phận phòng ban mà người lãnh đạo sẽ có cách tính lương chi trả cho người lao động phù hợp. Lương cố định có thể áp dụng với các vị trí liên quan đến hành chính – văn phòng, nhân sự, kế toán,… Áp dụng cách tính lương khoán theo sản phẩm với những vị trí tham gia trực tiếp vào việc sản xuất hoặc tạo ra doanh thu. Với hình thức tính lương khoán theo kết quả công việc, doanh nghiệp cũng phải đưa ra những chính sách phù hợp, mang tính chất khích lệ để người lao động cố gắng nhiều hơn để đạt được thành tích cao hơn và hưởng mức thu nhập tốt hơn.
Bước 4: Xây dựng quy chuẩn đánh giá mức độ hoàn thành công việc (khen thưởng hoặc xử phạt)
Khen thưởng và xử phạt luôn là một phương pháp để tạo nên động lực hoàn thành công việc của cá nhân mỗi người lao động. Thông qua hình thức này, người quản lý cũng dễ dàng đánh giá được và theo dõi được kết quả công việc của mỗi nhân viên.
Để đảm bảo tính công bằng trong việc đánh giá này, doanh nghiệp xây dựng một bộ tiêu chuẩn ngay từ ban đầu để áp dụng về sau.
Bước 5. Quy định về hình thức, thời điểm trả lương
Thời điểm trả lương hàng tháng là một trong những vấn đề mà người lao động quan tâm hàng đầu. Vì vậy doanh nghiệp cần nêu rõ và thực hiện nghiêm túc theo mẫu quy chế đã thiết lập.
Bước 6. Ban hành, áp dụng và liên tục đánh giá, sửa đổi, bổ sung Quy chế
Mẫu quy chế về tiền lương, thưởng và phụ cấp sẽ được đánh giá là phù hợp cho đến thời điểm lập. Tuy nhiên theo thời gian sẽ có rất nhiều thứ thay đổi. Vì vậy, sau khi ban hành, Quy chế cần liên tục được đánh giá, sửa đổi và bổ sung để phù hợp nhất với thực tế.
3. Mẫu quy chế tiền lương, thưởng và phụ cấp
Mẫu quy chế tiền lương, thưởng và phụ cấp tiêu chuẩn bao gồm 5 phần chính. Chi tiết mời bạn đọc theo dõi thông tin dưới đây
I. Những quy định chung
Trong phần quy định chung, doanh nghiệp cần nêu rõ quy định về các nội dung sau:
– Mức lương chính: đây là mức lương chi trả thực tế cho người lao động theo thời gian làm việc quy định trong tháng. Mức lương này được xác lập thông qua mức lương tối thiểu vùng tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP.
– Mức lương đóng bảo hiểm xã hội: bao gồm tất cả các khoản lương và phụ cấp quy định tại khoản 1 điểm a tại khoản 2 điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH.
– Mức lương thử việc: thông thường doanh nghiệp đều áp dụng mức hưởng 85% lương mức lương của công việc đó.
– Mức lương khoán: thường áp dụng cho những bộ phận phòng ban hoặc vị trí tham gia trực tiếp vào quá trình tạo ra sản phẩm hoặc doanh thu của doanh nghiệp.
– Cách tính lương: Tính theo thời gian làm việc thực tế trong tháng (chấm công) hoặc theo kết quả công việc.
II. Các khoản phụ cấp, phúc lợi khác ngoài lương
Bên cạnh mức lương chính thông qua thỏa thuận và ký kết trong hợp đồng thì người lao động còn nhận những khoản phụ cấp ngoài lương khác như:
- Phụ cấp chức danh: Áp dụng đối với vị trí chức danh ở cấp bậc quản lý.
- Phụ cấp ăn trưa: Có thể áp dụng chung đối với tất cả người lao động trong công ty hoặc phân chia theo cấp bậc.
- Phụ cấp điện thoại, xăng xe: quy định tùy thuộc vào tính chất công việc của từng vị trí và từng bộ phận.
Các khoản phúc lợi phổ biến trong doanh nghiệp gồm có: phúc lợi hiếu, hỉ; phúc lợi hàng năm liên quan đến du lịch, nghỉ mát, tham quan…
III. Quy định về cách tính và trả lương
Các nội dung chi tiết trong phần này gồm có:
- Cơ sở tính lương cho người lao động: theo thời gian làm việc thực tế (bảng chấm công) hay theo kết quả công việc (theo sản phẩm) hoặc kết hợp cả 2 hình thức.
- Thời hạn trả lương: Quy định vào ngày bao nhiêu hàng tháng
- Tiền lương làm thêm ngoài giờ: trong từng trường hợp vào ngày thường, ngày chủ nhật, ngày Lễ tết…
- Công tác phí: quy định cụ thể về các khoản hỗ trợ trong trường hợp đi công tác. Có thể phân chia theo các tiêu chí: đi về trong ngày, đi cách ngày hoặc vị trí công tác đến các trung tâm thành phố lớn hay các vùng núi cao hải đảo?
- Quy định chi tiết về những ngày nghỉ hưởng nguyên lương: căn cứ theo quy định chung
>> Tiền lương ngày lễ tết được tính như nào theo luật mới năm 2021
IV. Chính sách về chế độ xét duyệt tăng lương
Lộ trình tăng lương là yếu tố quan trọng quyết định đến sự gắn bó của một người lao động với doanh nghiệp. Vì vậy để duy trì sự ổn định của hệ thống nhân sự, chủ doanh nghiệp cần đặc biệt lưu tâm đến vấn đề này. Tùy vào đặc thù của đơn vị mình, mà người lãnh đạo có thể linh hoạt điều chỉnh quy định. Tuy nhiên tất cả đều cần đảm bảo tính rõ ràng và minh bạch để mỗi người lao động đặt ra mục tiêu phấn đấu của họ.
Thông thường mức nâng của mỗi bậc lương sẽ dao động trong khoảng 10 – 20% mức lương hiện tại tùy theo hiệu quả kinh doanh của công ty.
V. Chế độ thưởng
Quy định về các chế độ thưởng, doanh nghiệp cũng hoàn toàn có thể chủ động linh hoạt tùy vào kết quả HĐSX kinh doanh của mình. Có một số các khoản thưởng có thể tham khảo và áp dụng như: Thưởng thâm niên; Thưởng Tết Âm lịch; Thưởng ngày Quốc Khánh, Tết dương lịch, 30/4 – 1/5; Thưởng đạt doanh thu; …
Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến mẫu quy chế tiền lương, thưởng và phụ cấp mới nhất. Hy vọng sẽ là nguồn tham khảo hữu ích dành cho bạn đọc và Quý doanh nghiệp. Nếu bạn cũng cần tìm kiếm một hệ thống phần mềm quản trị doanh nghiệp tổng thể (ERP) hãy kết nối ngay với chúng tôi nhé.