Cùng điểm lại những quy định mới ban hành trong năm 2018 kế toán viên cần nắm được như: Điều kiện thi lấy chứng chỉ kế toán viên, Hóa đơn điện tử, Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp mới, Tăng mức lương tối thiểu vùng từ 01/01/2018, Thêm nhiều khoản thu nhập tính đóng BHXH…
Đã sắp kết thúc năm tài chính 2018, hãy cùng điểm lại những quy định mới quan trọng sau đây, đã được ban hành có tác động đáng kể đến lĩnh vực kế toán như:
-
Hóa đơn điện tử -
Điều kiện để dự thi lấy chứng chỉ kế toán viên -
Áp dụng quy định chế độ kế toán hành chính sự nghiệp mới -
Nâng cấp ứng dụng HTKK 3.8.0 -
Điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng từ 01/01/2018 -
Thêm các khoản thu nhập tính đóng BHXH -
Thêm những đối tượng bắt buộc tham gia BHXH
1. Quy định mới về Hóa đơn điện tử
Thời điểm áp dụng Hoá đơn điện tử cho các Doanh nghiệp (DN)
Căn cứ theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12/09/2018, quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, thì thời điểm bắt buộc áp dụng HĐĐT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ là từ ngày 01 tháng 11 năm 2018. Với những trường hợp xử lý chuyển tiếp thì thực hiện như hướng dẫn sau đây:
– Thời điểm trước ngày 1/11/2018: Các DN vẫn được đặt in và sử dụng hình thức hóa đơn giấy và sử dụng hết hóa đơn giấy nếu như đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in.
– Kể từ sau ngày 1/11/2018:
Nếu DN nào vẫn còn hóa đơn giấy chưa sử dụng hết thì được dùng tiếp cho đến ngày 01/11/2020. Tới ngày trên mà DN chưa dùng hết bắt buộc phải hủy hóa đơn giấy để sử dụng HĐĐT.
Nếu DN đã dùng hết HĐ giấy trước ngày 01/11/2020, thì buộc chuyển sang dùng HĐĐT mà không được in hóa đơn giấy.
– Trường hợp DN thành lập từ 01/11/2018 thì yêu cầu sử dụng ngay hình thức HĐĐT.
Thời điểm lập hóa đơn điện tử
Điều 7, Nghị định 119/2018/NĐ-CP cũng quy định chi tiết về thời điểm tiến hành lập HĐĐT.
– Đối với hoạt động bán hàng hóa, thời điểm lập HĐĐT là thời điểm chuyển giao quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa.
– Đối với hoạt động cung cấp dịch vụ, thời điểm lập HĐĐT là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn (HĐ) cung cấp dịch vụ, không phân biệt đã thu hay chưa.
– Với hình thức giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao đều phải lập HĐ cho giá trị, khối lượng hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.
2. Điều kiện để dự thi lấy Chứng chỉ kế toán viên
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 91/2017/TT-BTC quy định về việc thi, cấp, quản lý chứng chỉ kiểm toán viên và chứng chỉ kế toán viên. Theo đó:
Điều kiện để dự thi lấy Chứng chỉ hành nghề kế toán gồm:
– Yêu cầu trung thực, liêm khiết,… có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, có ý thức chấp hành pháp luật;
– Tốt nghiệp từ bậc ĐH trở lên các chuyên ngành: Kế toán, Tài chính, Kiểm toán;
– Đã công tác thực tế trên 60 tháng tính từ khi tốt nghiệp đến thời điểm đăng ký dự thi trong lĩnh vực về kế toán, tài chính, kiểm toán;
– Nộp đúng, đủ mẫu hồ sơ và lệ phí dự thi theo quy định;
– Không thuộc các đối tượng quy định tại khoản 1 và 2 Điều 52 Luật Kế toán.
Điều kiện để dự thi lấy Chứng chỉ kiểm toán viên gồm:
– Yêu cầu liêm khiết, trung thực và có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, có ý thức chấp hành pháp luật;
– Tốt nghiệp từ bậc ĐH trở lên các chuyên ngành: Kế toán, Kiểm toán, Tài chính, Ngân hàng; hoặc có bằng tố nghiệp ĐH các chuyên ngành khác mà tổng số hơn vị học phần (hay tiết học) các môn: Kế toán, Kiểm toán, Tài chính, Thuế, Phân tích hoạt động tài chính từ 7% tính trên tổng số học phần (hoặc tiết học) cả khóa. Ngoài ra, chấp nhận cả những trường hợp tốt nghiệp ĐH các chuyên ngành khác, có Chứng chỉ, văn bằng hoàn thành các khoá học do Tổ chức nghề nghiệp quốc tế về Kiểm toán, Kế toán cấp bảo đảm các quy định tại Điều 9 Thông tư này;
– Có thời gian công tác thực tế về Kế toán, Tài chính từ 60 tháng (kể từ lúc tốt nghiệp đến thời điểm đăng ký dự thi); hoặc những cá nhân có thời gian thực tế làm trợ lý kiểm toán ở DN kiểm toán từ 48 tháng trở lên tính từ tháng ghi trên quyết định tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học xét tới thời điểm đăng ký dự thi;
– Thực hiện nộp đủ, đúng mẫu hồ sơ dự thi và lệ phí theo quy định.
>> Xem thêm: Điều kiện để tham gia lớp bồi dưỡng chứng chỉ kế toán trưởng.
3. Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp mới
Thông tư 107/2017/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành có hiệu lực từ 24/11/2017, áp dụng chính thức từ 01/01/2018. Thông tư 107 hướng dẫn cụ thể về chế độ kế toán hành chính sự nghiệp, cụ thể là chứng từ, tài khoản, sổ kế toán; báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính… thay thế cho quy định cũ tại Quyết định 19/2006/QĐ-BTC ban hành ngày 30/3/2006.
4. Nâng cấp ứng dụng HTKK 3.8.0
Trong số các quy định mới kế toán cần lưu ý Thông báo về việc nâng cấp nhiều ứng dụng liên quan đến thuế của Tổng Cục thuế (thời gian nâng cấp từ 9 giờ 00 phút sáng ngày 11/11/2017 đến hết 24 giờ 00 phút ngày 12/11/2017). Cụ thể, sau khi nâng cấp, người dùng sẽ chuyển sang sử dụng những phiên bản sau:
– HTKK: Ứng dụng hỗ trợ kê khai mã vạch, sử dụng phiên bản 3.8.0;
– NTK_TMS: Ứng dụng nhận tờ khai mã vạch tập trung, sử dụng phiên bản 2.5.3;
– iHTKK: Ứng dụng khai thuế qua mạng, sử dụng phiên bản 3.6.0;
– iTaxViewer: Ứng dụng hỗ trợ đọc, xác minh tờ khai, thông báo thuế định dạng XML, sử dụng phiên bản 1.4.2;
– eTax: Ứng dụng dịch vụ thuế điện tử, sử dụng phiên bản 1.3.0
– TMS: Ứng dụng quản lý thuế tập trung, sử dụng phiên bản 2.4.
Trong đó, việc nâng cấp HTKK, NTK_TMS, iHTKK, eTAX để cập nhật danh mục biểu thuế (phí) tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường kèm phí, lệ phí tương ứng với các tiểu mục mới của Thông tư 300/2016/TT-BTC.
5. Điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng
Về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động được quy định tại Nghị định 141/2017/NĐ-CP, áp dụng chính thức từ 01/01/2018. Theo đó:
– Vùng I: mức lương mới là 3.980.000 đồng/tháng (tăng 230.000 đồng so với quy định hiện hành tại Nghị định 153/2016/NĐ-CP);
– Vùng II: mức lương mới là 3.530.000 đồng/tháng (tăng 210.000 đồng);
– Vùng III: mức lương mới là 3.090.000 đồng/ tháng (tăng 190.000 đồng);
– Vùng IV: mức lương mới là 2.760.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng).
>> Xem thêm: Bảng lương cơ sở chính thức năm 2018 (mới nhất).
6. Thêm nhiều khoản thu nhập tính đóng BHXH
Căn cứ hướng dẫn tại Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBX cùng quy định tại Luật bảo hiểm xã hội 2014, ta có công thức sau:
Trước 01/01/2018: Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc = Mức lương + Phụ cấp lương
Từ 01/01/2018: Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc = Mức lương + Phụ cấp lương + Các khoản bổ sung
Lưu ý: Các khoản bổ sung ở đây là phần thu nhập tính đóng BHXH mới, sẽ được xác định dựa trên mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận của hợp đồng lao động (HĐLĐ) và trả thường xuyên cho người lao động ứng với mỗi kì trả lương.
7. Bổ sung đối tượng bắt buộc tham gia BHXH
Từ 01/01/2018, với đối tượng là người lao động làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng sẽ buộc phải tham gia BHXH bắt buộc.
Cũng từ thời điểm trên, người lao động là công dân nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam, được cấp giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hay giấy phép hành nghề bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì cũng chính thức tham gia đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
Phần mềm BRAVO cũng thường xuyên cập nhật các quy định mới của nhà nước nhằm giúp công việc của người sử dụng luôn diễn ra thuận lợi.
Có thể bạn quan tâm:
>> Chi phí loại trừ khi tính thuế TNDN và mức khống chế một số chi phí được áp dụng năm 2018.