Cách doanh nghiệp Việt làm thương hiệu thời hội nhập như thế nào?


Trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay, để có thể hội nhập sâu rộng với thế giới, câu chuyện làm thương hiệu của doanh nghiệp Việt phải bắt đầu từ gốc, đó là sản xuất ra những sản phẩm tốt…



Sức mạnh của mỗi thương hiệu nằm trong chính sự trải nghiệm của khách hàng. Những trải nghiệm này đã biến cái vô hình thành điều hữu hình của thương hiệu.


Nếu như các doanh nghiệp của Thái Lan, Malaysia, Singapore… thâm nhập thị trường Việt Nam theo cách rất bài bản với từng bước vững chắc, thì vẫn chưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam thực sự hiểu được tính cấp bách của vấn đề trong giai đoạn hội nhập hiện nay.


Thành lập từ năm 1665, Saint-Gobain – một tập đoàn đa quốc gia của Pháp chuyên về sản xuất các loại vật liệu xây dựng và hiệu suất cao đã hiện diện tại Việt Nam. Ông Lại Tiến Mạnh – Chuyên gia tư vấn cho thương hiệu này tại Việt Nam cho rằng: “đối với những thương hiệu lớn trên thế giới, họ đã có nhận diện thương hiệu khá tốt trên toàn cầu, song doanh nghiệp này chưa có nhận biết tốt về thương hiệu tại thị trường Việt Nam. Do đó, họ đã có chiến lược bài bản tiến vào Việt Nam trong xây dựng thương hiệu”.


Không ngoại lệ, một số doanh nghiệp nước ngoài khác muốn lấn sân vào Việt Nam thì phải thay đổi hình ảnh để phù hợp, gần gũi hơn với văn hoá Việt Nam, như Coca Cola. Ban đầu vào Việt Nam, Coca Cola dùng hình ảnh ông già Noel, tuần lộc… song họ nhận ra điều này rất xa lạ với văn hóa Việt Nam nên họ Việt hóa thương hiệu bằng cách dùng hình ảnh chim én… Chiến dịch đã rất thành công.


Theo ông Mạnh, trong bối cảnh hiện nay, để có thể cạnh tranh, doanh nghiệp Việt buộc phải bắt đầu tạo dựng thương hiệu từ gốc, đó là sản xuất ra sản phẩm tốt. Đừng nên đi xa bằng truyền thông, quảng cáo mà phải chắc chắn sản phẩm của mình có ưu thế nhất định, đảm bảo chất lượng, uy tín, giá cả khiến người tiêu dùng vui vẻ, yên tâm bỏ tiền ra mua.


Việc làm thương hiệu tại thị trường họ hiện diện, không chỉ có các doanh nghiệp nước ngoài đón đầu xây dựng, mà trong nước, nhiều doanh nghiệp Việt cũng đã bắt tay từ lâu. Song con số này vẫn chưa nhiều. Tiêu biểu cho việc doanh nghiệp Việt thuần tuý là Minh Long, đơn vị đã đầu tư vào công nghệ từ cách đây rất lâu, bằng việc nhập dây chuyền công nghệ làm gốm sứ từ Đức thỏa mãn tiêu chuẩn hàng tham gia xuất khẩu. Sản phẩm gốm sứ của Minh Long với chất lượng cao, đưa ra thị trường đã đánh bại tất cả các hãng khác, kèm theo việc xây dựng thương hiệu, quảng bá khiến người tiêu dùng biết đến Minh Long một cách rõ ràng. 


“Dựa vào thước đo này, doanh nghiệp Việt Nam cần biết đầu tư vào công nghệ, sản xuất tạo ra sản phẩm thực sự để người tiêu dùng chấp nhận được về chất lượng, giá cả. Đó là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là thực hiện các chương trình quảng bá truyền thông, xây dựng thương hiệu, marketing để người ta biết đến cái hay, cái đẹp khi đó họ mới mua”, ông Mạnh cho biết thêm.


Thực tế cho thấy, không có một mô hình chung nào cho phát triển thương hiệu của doanh nghiệp. Trong bối cảnh thị trường đang phát triển như hiện nay, thậm chí những doanh nghiệp nhỏ họ có cách đi độc đáo vẫn có thể tiến xa hơn doanh nghiệp lớn. Hướng đi của doanh nghiệp nhỏ là nhắm vào một phân khúc nào đó và chiếm lĩnh hoàn toàn phân khúc ấy. Rồi sau đó, họ sẽ lan sang phân khúc lớn hơn.



Sản phẩm của May 10 có mặt hơn 60 nước trên thế giới, tỷ trọng xuất khẩu của đơn vị chiếm tới 80. Thương hiệu May 10 đã được khẳng định trên cả thị trường trong và ngoài nước. Tổng Giám đốc TCT May 10, ông Thân Đức Việt  cho biết, tới đây May 10 sẽ tiếp tục đầu tư vào khâu thiết kế, mở rộng kênh phân phối và thị phần. May 10 phát triển với tôn chỉ: “Thiết kế châu Âu, tiện dụng Mỹ, công nghệ Nhật Bản, giá Việt Nam”. Ngoài các kênh bán truyền thống tại cửa hàng, May 10 đã và đang phát triển kênh bán hàng online. Hiện tại, độ bao phủ các kênh bán hàng online của May 10 đã ở trên 63 tỉnh, thành.


Ông Việt cho hay, câu chuyện thương hiệu May 10 tại các thị trường nước ngoài liên quan tới bài toán đầu tư tài chính, tới sức mạnh của thương hiệu. Chi phí đầu tư làm thương hiệu ở nước ngoài rất lớn, kéo dài không chỉ 5 năm, 10 năm mà thậm chí tới vài chục năm. Bởi vậy, May 10 đang chọn hướng đi khác, ngắn hơn là ứng dụng TMĐT. May 10 cũng là doanh nghiệp dệt may đầu tiên của Việt Nam bán thương hiệu sản phẩm trên trang điện tử Amazon cách đây 2 năm. Từ đó, May 10 đã xây dựng một trang điện tử không chỉ cho thị trường nội địa mà có thể bán sản phẩm ra toàn cầu.


Trả lời cho câu hỏi “Tại sao May 10 chọn cách đi như vậy?”,  ông Việt cho biết, khi thâm nhập và xây dựng thương hiệu ở thị trường nước ngoài, TMĐT là kênh bán có chi phí hợp lý nhất, sở hữu tốc độ tăng trưởng nhanh nhất và độ phủ lớn. Vì thế, May 10 đã tập trung chọn hướng đi ứng dụng TMĐT và các trang bán hàng trực tuyến toàn cầu như Amazon và tới đây là Alibaba.


Có thể bạn quan tâm:


>> Bước đột phá của Vinatex trong Cách mạng công nghiệp 4.0


Theo VnEconomy

News

Tin tức liên quan

    tư vấn khách hàng