Bảng xếp hạng “VNR500 – Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam” năm 2017 đã được Vietnam Report công bố đầu tháng 12 vừa qua.
Bảng xếp hạng VNR500 được thiết lập từ nhiều kết quả nghiên cứu và đánh giá độc lập của Vietnam Report, công bố chính thức lần đầu tiên vào năm 2007. Đây là năm thứ 11 liên tiếp Bảng xếp hạng VNR500 được đưa ra, nhằm tôn vinh các doanh nghiệp có quy mô lớn nhất tại Việt Nam, đồng thời có nhiều thành tựu quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cùng với việc công bố Bảng xếp hạng 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Vietnam Report đồng thời công bố Bảng xếp hạng 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam trong năm 2017.
Thông tin chi tiết về danh sách và thứ hạng của các doanh nghiệp được đăng tải trên website: www.vnr500.com.vn.
Các DN Top 10 trong Bảng xếp hạng 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (Nguồn vnr500.com.vn)
Các DN Top 10 trong Bảng xếp hạng 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (Nguồn vnr500.com.vn)
Năm 2017, khối doanh nghiệp tư nhân tiếp tục trỗi dậy lớn mạnh
Sau hơn 10 năm kể từ lần đầu tiên công bố Bảng xếp hạng VNR500, thời điểm đó, doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 20% trong toàn bảng thì tới năm 2017, khối doanh nghiệp này đã tăng tỉ lên lên gấp 2,5 lần (tương đương 50% số doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng).
Xét về mặt doanh thu, khu vực kinh tế nhà nước hiện vẫn là khu vực mang lại tổng doanh thu lớn nhất trong 3 khu vực kinh tế của toàn Bảng xếp hạng. Tuy nhiên, đóng góp doanh thu của khối nay năm lại giảm xuống còn 52% (năm 2016 là 59%), ngược lại, đóng góp từ khu vực tư nhân được nâng lên 32,3% trong năm 2017 (năm 2016 là 27%).
Trước xu hướng tăng số lượng doanh nghiệp tư nhân và tỉ trọng doanh thu của khối này trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2017 cũng tăng tương ứng, đã phần nào cho thấy hiệu quả từ nỗ lực thiết lập một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế, và đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ thời gian qua.
Năm 2017, môi trường kinh doanh thuận lợi thể hiện thông qua kết quả hoạt động của doanh nghiệp
2016 được đánh giá là một năm đầy biến động và khó khăn với nền kinh tế trong nước, thì sang tới năm 2017, bối cảnh chung của nền kinh tế cùng tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp lớn đã bắt đầu khởi sắc trở lại.
Ghi nhận phản hồi từ nhiều doanh nghiệp lớn, 75% doanh nghiệp đã tăng doanh thu trong năm nay, và có tới 62,5% doanh nghiệp phản hồi tổng thể tình hình sản xuất kinh doanh đang bắt đầu tốt lên chỉ 4,7% doanh nghiệp đánh giá giảm đi. Cụ thể hơn, gần 70% doanh nghiệp báo năng suất lao động tăng lên; các yếu tố tài sản cố định, trang thiết bị (máy móc…), khách hàng cũng trên 60% doanh nghiệp nhận định tăng.
Đánh giá về môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước năm 2017, hơn 50% doanh nghiệp lựa chọn từ tốt cho đến rất tốt đối với các vấn đề thủ tục pháp lý, tiếp cận đất đai và cơ sở hạ tầng, khả năng tiếp cận vốn. Đặc biệt, các chính sách tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng kéo theo làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước (thể hiện qua việc cải thiện mạnh trong xếp hạng chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam do Báo cáo Doing Business). Song hạn chế vẫn còn tồn tại ở thủ tục hành chính và các vấn đề về thuế. Hơn 50% doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính vẫn ở mức trung bình và gần 5% doanh nghiệp đánh giá ở mức kém.
Cách mạng Công nghệ 4.0, vốn và nhân lực vẫn là bài toán lớn của các doanh nghiệp Việt
Cách mạng Công nghệ 4.0, nền kinh tế số đang trở thành xu thế tất yếu đối với Việt Nam nói riêng và các nước khác trong khu vực. Tuy nhiên, ngay cả những doanh nghiệp lớn, việc số hóa vẫn đặt ra nhiều bài toán khó dẫn tới nhiều công ty phải bó hẹp phạm vi ứng dụng công nghệ… do yêu cầu nguồn vốn đầu tư lớn (40,6% phản hồi); thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao (35,9%) và những lo ngại về vấn đề an ninh mạng và bảo mật dữ liệu (32,8%).
Tình hình kinh tế năm 2018 được dự báo sẽ phân hóa cao các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành đặc thù. Xét cho cùng, chính uy tín doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định trực tiếp đến lựa chọn của người tiêu dùng, của nhà đầu tư và sự hỗ trợ từ Chính phủ.
Lễ công bố và tôn vinh chính thức Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2017 sẽ được tổ chức vào ngày 19/01/2018 tại Khách sạn Grand Plaza, Hà Nội.
Thông tin thêm: Nhiều doanh nghiệp có tên trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2017 là các khách hàng lớn, đang sử dụng phần mềm BRAVO do Công ty Cổ phần Phần mềm ERP của BRAVO cung cấp như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất, Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Top 10 doanh nghiệp niêm yết uy tín – Nhóm cổ phiếu Blue chip); Tổng công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng Công ty Khí Việt Nam, Công Ty Cổ phần Xây Dựng (Cotec) – Coteccons, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Công ty Cổ phần Y Dược phẩm VIMEDIMEX… (Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam); Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam)…
Xem thêm:
>> Họp báo công bố “50 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2017”
Theo Vietnam Report