Search
Close this search box.

Hiệp định EVFTA và những cơ hội “vàng” cho doanh nghiệp Việt Nam


Ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.


Nhiều cơ hội về tiếp cận thị trường các nước thành viên EU


Hôm qua, ngày 12/2/2020 theo giờ Việt Nam, với 401 phiếu ủng hộ, 192 phiếu trống và 40 phiếu trắng, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA); đồng thời với tỷ lệ 407 phiếu ủng hộ, 188 phiếu trống và 53 phiếu trắng, Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) cũng được EP đã thông qua.


Theo Bộ Công Thương, việc EP thông qua Hiệp định EVFTA đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chặng đường 30 năm phát triển quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Trước bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, Hiệp định EVFTA thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của cả hai bên trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và EU phát triển sâu rộng và thực chất hơn.


Với Hiệp định EVFTA, Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tư do với EU. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định vai trò và vị thế địa – chính trị của Việt Nam trong khu vực, khẳng định Việt Nam – từ quốc gia đi sau trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, lần đầu tiên đã vươn lên trở thành nước đi đầu.


Hiện tại, EU là một trong số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 sang thị trường này đạt 41,48 tỉ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỉ USD. Do vậy, Hiệp định EVFTA sẽ tạo điều kiện để Việt Nam có thể thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới.


Bên cạnh đó, bối cảnh tình hình chính trị – an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, Hiệp định EVFTA còn giúp Việt Nam có điều kiện để nâng cao nội lực ứng phó, đồng thời giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.


Với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. 


Như vậy, gần như 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Tới thời điểm hiện tại, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay.



>> Giới thiệu phân hệ Quản lý bán hàng trên BRAVO 8 (ERP-VN)


Cam kết xóa bỏ thuế quan cho nhiều mặt hàng quan trọng


Căn cứ vào những cam kết trong EVFTA, sau khi Hiệp định có hiệu lực, nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế quan. Cụ thể là:


Dệt may: trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, và sau 7 năm 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ. Cam kết này của EU đưa ra phù hợp với khả năng đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ “2 công đoạn” (từ vải trở đi) của ngành dệt may Việt Nam (tức là để được hưởng thuế quan ưu đãi theo Hiệp định EVFTA thì hàng dệt may của Việt Nam phải được làm từ vải có xuất xứ Việt Nam). Ngoài ra, EU cũng chấp nhận linh hoạt với quy tắc này như cộng gộp xuất xứ từ Hàn Quốc hay những nước mà cả ta và EU có FTA (như Nhật Bản và một số nước ASEAN).


Giày dép: EU cam kết giảm thuế xuống 0% đối với 42,1% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Sau 03 năm và 07 năm tỷ lệ này sẽ lần lượt là 73,2% và 100%. 


Thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên): EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong vòng 3 năm, trong vòng 5 năm là 90,3% và trong vòng 7 năm là 100%. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn.


Đường: EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 10.000 tấn đường trắng và 10.000 tấn sản phẩm chứa đường trên 80%.


Gạo: EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm (giúp ta có thể xuất khẩu tới 100.000 tấn tấm vào EU hàng năm). Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau một lộ trình nhất định.


Mật ong: EU sẽ xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và không áp dụng hạn ngạch thuế quan.


Các sản phẩm nước hoa quả, củ quả, rau củ quả chế biến, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh: Về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực. 


Các sản phẩm khác thuộc diện cam kết theo hạn ngạch thuế quan: EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 25.000 tấn tinh bột sắn (trên tổng nhập khẩu của EU là 33.000 tấn), 5.000 tấn ngô ngọt (riêng ngô bao tử sẽ không bị hạn ngạch thuế quan và được hưởng thuế suất 0% trong vòng 7 năm), 400 tấn tỏi, và 350 tấn nấm.


Thuế suất trong hạn ngạch của tất cả các mặt hàng thuộc diện cam kết theo hạn ngạch thuế quan của EU là 0%.


Có thể bạn quan tâm:


>> Vinatex sẽ cung ứng ra thị trường 400.000 khẩu trang/ngày với giá bình ổn


Báo báo điện tử VnMedia


 


 

News

Tin tức liên quan

    tư vấn khách hàng