Môi trường kinh doanh có tính minh bạch thấp, “Quản trị doanh nghiệp” và “Tính minh bạch” liên tục đang là hai nỗi quan ngại lớn nhất của các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Trong cuộc khảo sát được hãng tư vấn Grant Thornton thực hiện đợt tháng 3 vừa qua chỉ ra rằng: bức tranh đầu tư tư nhân tại Việt Nam năm nay có những nét phác thảo tươi sáng; nền kinh tế Việt Nam sẽ tiến triển tích cực hơn. Tuy nhiên, giới đầu tư cả trong và ngoài nước đều có những quan ngại về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Những người tham gia cuộc khảo sát đều cho rằng “Lịch sử và dự báo tăng trưởng” cùng với “Minh bạch trong hoạt động” là hai yếu tố quan trọng nhất trong việc cân nhắc lựa chọn khi các nhà đầu tư dự định tìm hiểu môi trường đầu tư ở Việt Nam. Trong đó, “Minh bạch trong hoạt động” được xem là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất, nhận được 21% ý kiến, còn “ Lịch sử và dự báo tăng trưởng” đạt ở mức 18%.
“Quản trị doanh nghiệp” và “Tính minh bạch” liên tục là hai nỗi quan ngại lớn nhất khi đầu tư vào Việt Nam. Môi trường kinh doanh ở Việt Nam bị cho là có tính minh bạch thấp. Cần phải có biện pháp cải thiện cấp bách trong khía cạnh này để giúp nhà đầu tư vững tin khi thực hiện những thương vụ kinh doanh.
“Kinh nghiệm/kỹ năng của ban quản lý” nằm ở vị trí thứ 3 trong các quan ngại khi đầu tư ở Việt Nam, với 63% ý nhận định “Rất quan ngại” và “Quan ngại”. Điều hành doanh nghiệp ở Việt Nam cần phải có được đội ngũ quản lý có kỹ năng và trình độ phù hợp, tuy nhiên do những hạn chế về lao động có chuyên môn cao, đây vẫn là một mối đe dọa lớn cho nhà đầu tư tư nhân.
Những yếu tố quan trong nhất cần cân nhắc khi đầu tư ở Việt Nam (Nguồn ảnh: cafebiz.vn)
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng trong thời gian qua, Chính phủ có những động thái quyết liệt trong việc minh bạch thông tin từ vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) cho tới Ngân sách Nhà nước. Như tuyên bố của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khi nói về sự chậm trễ của các DNNN trong thực hiện nhiệm vụ cổ phần hóa: “Tới hạn mà DN không công bố thông tin định kỳ hay sau 1 năm thực hiện cổ phần hóa mà doanh nghiệp Nhà nước không niêm yết trên sàn chứng khoán thì phải thực hiện công bố, công khai tên DN. Không để tình trạng tranh tối, tranh sáng làm ảnh hưởng tới hoạt động của các DN được”.
Tuyên bố này đã được cụ thể thành văn bản truyền đạt là Nghị định số 81/2015/NĐ-CP ngày 18/9/2015 của Chính phủ về công bố thông tin của DNNN. Theo đó, những thông tin quan trọng trong điều hành doanh nghiệp cần công bố định kỳ như Chiến lược phát triển của doanh nghiệp, Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm của doanh nghiệp, Kế hoạch SXKD và đầu tư phát triển hàng năm, báo cáo quản trị, báo cáo tài chính,… để Bộ Kế hoạch và Đầu tư công khai trên công thông tin của Bộ. Nhưng tới cuối năm 2016, mới chỉ có 38,87% số doanh nghiệp gửi báo cáo lên Bộ, thực hiện công bố thông tin trên Cổng thông tin doanh nghiệp.
Việc công bố công khai thông tin hoạt động của DNNN bước đầu đã tạo ra sự minh bạch và công bằng trong xã hội, cũng tạo ra công cụ hữu hiệu để Nhà nước giám sát việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước tại các DN này, tránh các gian lận, sử dụng không hiệu quả, thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Ngoài ra việc giám sát tốt sẽ góp phần tăng hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước, tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh và sức cạnh tranh, tạo động lực phát triển doanh nghiệp.
Xem thêm bài viết khác:
>> WB: Kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng 6,3% năm nay.
Theo CafeBiz