Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, tới hết tháng 10 cả nước có 13.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 152,5 nghìn tỷ đồng (tăng gần 42% về số DN và gần 80% số vốn đăng ký so với hồi tháng 9).
Như vậy, tính bình quân thì số vốn đăng ký của 1 doanh nghiệp đạt 11,7 tỷ đồng, tăng 26,8; tổng lao động đăng ký của các DN thành lập mới là 105 nghìn người, tăng 23,5%.
Tháng 10/2018 đồng thời ghi nhận 3.453 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, so với tháng trước đã tăng 28,1% và có 6.684 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Trong đó, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 1.911 doanh nghiệp; tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là 4.773 doanh nghiệp (giảm 35,2%) và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 1.771 doanh nghiệp (giảm 26,2%).
Tính chung đến hết tháng 10 cả nước có tất cả 109.611 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.116 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3% về số doanh nghiệp, tăng 9,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Bình quân vốn đăng ký 1 doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Như vậy, tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 10 tháng đầu năm 2018 là 3.161,1 nghìn tỷ đồng (tính cả 2.045,1 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn). Cả nước có 27.935 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lên hơn 137,5 nghìn doanh nghiệp. Tuy nhiên, tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 924,8 nghìn người, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy vậy, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 10 tháng đầu năm nay là 78.404 doanh nghiệp, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 24.467 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 24,7% và 53,937 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 62,6%.
Dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê về lĩnh vực hoạt động thì có 9,6 nghìn doanh nghiệp trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (chiếm 39,2%), tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước; 3,6 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 14,9%), tăng 25,8%; 3,1 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,5%), tăng 19,1%; 1.4 nghìn doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 5,5%), tăng 26,7%.
Trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 19 nghìn doanh nghiệp (chiếm 35,3%), tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước; 8 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 14,7%), tăng 72,9%; 6,8 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,5%), tăng 79,9%; 2,9 nghìn doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 5,5%), tăng 81,9%.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 13.307 doanh nghiệp, tăng 35,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 12.206 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,7% và tăng 35,9%. doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 5 nghìn doanh nghiệp, tăng 32,8% so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo có 1,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 48,3%; xây dựng có 1,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 51,7%.
Có thể bạn quan tâm:
>> Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam ghi danh nhiều tên tuổi lớn.
Theo Tạp chí tài chính