Nhiều doanh nghiệp dệt may đang biến thách thức thành cơ hội để phát triển trong giai đoạn vô cùng khó khăn, chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.
Xuất hiện khủng hoảng chưa từng có
Theo số liệu ước tính của Tổng cục thống kê, trong tháng 3/2020, xuất khẩu dệt may của cả nước đạt 1,8 tỷ USD, giảm tới 19,4% so với tháng trước. Đồng thời, tổng kim ngạch xuất khẩu trong quý I/2020 ước đạt 6,49 tỷ USD, giảm tới 8,9% so cùng kỳ năm trước.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, 100% doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc đều bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19. Trong đó, khoảng 70% doanh nghiệp buộc cắt giảm nhân sự trong tháng 3 và dự kiến 80% doanh nghiệp sẽ cắt giảm nhân sự trong tháng 4, tháng 5. Thiệt hại doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng nếu dịch kết thúc vào tháng 5.
Trong buổi họp cuối tháng 3, ông Lê Tiến Trường – Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ mất khả năng thanh khoản vào cuối tháng 4; con số những người lao động mất việc ước tính từ 40-50%, kèm theo là lượng hàng tồn kho trong hai tháng 4, 5 sụt giảm khoảng 50% giá trị.
Toàn bộ đây là những con số tiêu cực chưa từng xuất hiện mà COVID-19 đang gây ra cho ngành dệt may.
Thế nhưng, khó khăn thách thức từ dịch bệnh cũng bất ngờ tạo ra cơ hội chưa từng có cho ngành dệt may Việt Nam. Ở thị trường nội địa, khẩu trang liên tục cháy hàng, doanh nghiệp nhanh chóng chuyển hướng sản xuất và phải tối đa hoá công suất. Thị trường xuất khẩu theo đó cũng được mở rộng với những tín hiệu khả quan từ nhiều đơn đặt hàng khẩu trang đến từ châu Âu, Mỹ… cho doanh nghiệp Việt Nam.
Doanh nghiệp dệt may trong nước tăng năng lực sản xuất khẩu trang kháng khuẩn để sử dụng quốc nội và mục tiêu xuất khẩu
Nắm bắt cơ hội trong thách thức
Nhanh chóng nắm bắt nhu cầu, tận dụng nguồn lực sẵn có, nhiều doanh nghiệp đã bắt tay vào việc may khẩu trang: từ chất liệu khẩu trang y tế đến vải sợi kháng khuẩn, vải giọt bắn và cả từ chất liệu bã cà phê.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cùng các doanh nghiệp trong hệ thống đã chuyển đổi sử dụng nguồn vải dệt kim kháng khuẩn để sản xuất, góp phần cung ứng hàng trăm nghìn khẩu trang ngay thời điểm phát sinh dịch vào tháng 2/2020. Đây là loại vải dệt kim kháng khuẩn được sử dụng cho trẻ sơ sinh và trong bệnh viện mà Dệt Kim Đông Xuân đã hợp tác sản xuất cho đối tác Nhật Bản suốt 30 năm qua.
Tiếp tục đến cuối tháng 3, thị trường đón nhận mạnh dòng sản phẩm mới – “khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn 3 lớp”, sản phẩm do Tập đoàn Dệt May Việt Nam phát triển mẫu và được Dệt Kim Đông Xuân sản xuất.
Theo kế hoạch, tháng 3 và tháng 4/2020 này, Dệt kim Đông Xuân sẽ đưa ra thị trường từ 5-7 triệu chiếc khẩu trang thuộc dòng sản phẩm mẫu mới này.
Bên cạnh khẩu trang, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã sẵn sàng sản xuất quần áo bảo hộ cấp độ 1 và 2 sau khi Bộ Y tế ban hành tiêu chuẩn. Công suất dự kiến đạt khoảng 50.000 bộ/ngày.
Đồng thời, Tổng công ty May 10 cũng nhập cuộc với 8 dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế với công suất đạt tới 900.000 chiếc/ngày, tương đương 27 triệu khẩu trang y tế/tháng. Dự kiến đến ngày 20/4, sau khi hoàn tất thủ tục cấp phép, dây chuyền này sẽ bắt đầu sản xuất những sản phẩm đầu tiên.
Trong buổi làm việc với ông Vương Đình Huệ – Bí thư Thành ủy Hà Nội về tình hình SXKD và công tác phòng, chống dịch COVID-19, ông Thân Đức Việt – Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, cho biết: “Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên trong tháng 4/2020, tổng công ty sẽ thiếu hụt gần 30% đơn hàng. Tuy nhiên việc sản xuất khẩu trang sẽ bù đắp phần nào sự thiếu hụt đơn hàng”.
Ông Việt chia sẻ thêm, hiện đã có một đối tác lớn đang đặt mua 400 triệu khẩu trang y tế và dự kiến giao hàng từ tháng 7 với giá trị 52 triệu USD (tương đương 30% doanh thu May 10 trong năm 2020). Đồng thời, một đối tác khác của Mỹ cũng đặt mua 20 triệu khẩu trang vải trong 6 tuần, một đối tác Đức đặt mua 2 triệu khẩu trang vải, 6 triệu chiếc khẩu trang y tế.
“Sản xuất khẩu trang là việc chẳng đừng vì không thể so với giá trị sản xuất may mặc. Tuy nhiên, chúng tôi phải chuyển đổi để thích ứng và cố gắng bù đắp thiếu hụt vì 12.000 công nhân lao động“, ông Việt nói.
Ngoài ra, một doanh nghiệp khác cũng có hướng đi mới là Công ty CP Đầu tư và thương mại TNG (Thái Nguyên). Theo báo cáo của doanh nghiệp, doanh thu trong tháng 2 của TNG đã tăng 240% với doanh thu nội địa tăng trưởng mạnh, chủ yếu đến từ các đơn hàng sản xuất khẩu trang phục vụ thị trường trong bối cảnh dịch COVID-19.
Cụ thể, tháng 2 tổng doanh thu tiêu thụ của TNG đạt 288,62 tỷ đồng, tăng 65% so với tháng 2/2019. Trong đó doanh thu xuất khẩu đạt gần 220 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ 2019, doanh thu nội địa đạt trên 36 tỷ đồng, tăng 240% so với cùng kỳ 2019. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2020, TNG đạt 559,5 tỷ đồng doanh thu, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019.
Trung bình mỗi ngày, công ty cung ứng ra 150.000 chiếc khẩu trang cho thị trường trong nước, phục vụ công tác phòng dịch, và có kế hoạch xuất khẩu 250 triệu sản phẩm sang thị trường Pháp và Cộng hòa Séc trong thời gian tới.
Song hành cùng hoạt động sản xuất khẩu trang, TNG đã nghiên cứu, sản xuất thành công bộ quần áo bảo hộ y tế phòng dịch Y0242. Hiện mỗi ngày TNG cung cấp ra thị trường 10.000 sản phẩm và năng lực sản xuất tối đa 100.000 sản phẩm/ngày.
Cơ hội xuất khẩu thời trang được Thủ tướng chỉ rõ
Chiều 9/4, tại buổi họp giao ban trực tuyến về phòng, chống dịch COVID-19 giữa Chính phủ với các bộ, ngành và lãnh đạo thành phố Hà Nội, TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra thời cơ từ việc xuất khẩu khẩu trang y tế ra nước ngoài của ngành công thương trong giai đoạn dịch COVID-19.
Thống kê tháng 2, Việt Nam đã xuất khẩu 219,1 triệu khẩu trang; tháng 3 xuất khẩu 62,7 triệu khẩu trang; và từ 1-8/4 xuất khẩu 0,2 triệu khẩu trang.
“Sắp tới, Bộ Công Thương phải cùng Bộ Y tế sớm xác định số lượng cung ứng khẩu trang cần thiết để hướng tới xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ và mạnh mẽ hơn là tất cả các nước”, Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Hiện Bộ Công Thương đang chỉ đạo các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tìm kiếm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất khẩu trang và dụng cụ phòng hộ từ các nước khác, khẩn trương tìm kiếm khách hàng mua sản phẩm khẩu trang vải, khẩu trang vải kháng khuẩn của Việt Nam, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp dệt may, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Theo VTCnews/ CafeF
Thông tin thêm: Dệt may cũng là một trong những lĩnh vực mà BRAVO chú trọng và có nhiều khách hàng lớn. BRAVO vinh dự khi được những cái tên hàng đầu ngành dệt may như TNG, May Sông Hồng, Tổng công ty và các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) như Tổng công ty May 10 – CTCP, Tổng công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ… lựa chọn để triển khai hệ thống phần mềm quản trị doanh nghiệp cùng các dịch vụ tiện ích, góp phần làm tăng năng suất lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Xem chi tiết về Phần mềm BRAVO ứng dụng trong doanh nghiệp Dệt may TẠI ĐÂY.