Mới đây, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố thông tin 6 tháng đầu năm nay có 64.531 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 5,3% số doanh nghiệp) với tổng số vốn đăng ký đạt 648.967 tỷ đồng (tăng 8,9% số vốn đăng ký) so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ tính riêng tháng 6/2018, đã có 12.209 doanh nghiệp (DN) thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 132.108 tỷ đồng (tăng 10,7% về số DN và tăng 26% về số vốn đăng ký so với tháng 5/2018). Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp đạt khoảng 11 tỷ đồng.
Tính trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 64.531 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 648.967 tỷ đồng, tăng 5,3% về số DN và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp cũng đạt hơn 10 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.
6 tháng đầu năm cũng ghi nhận có gần 510.000 lao động được các doanh nghiệp mới thành lập đăng ký sử dụng, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp tăng vốn, đã góp phần nâng tổng vốn đăng ký trong 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng cho biết thêm tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2018 ghi nhận: số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 6 là 2.725 doanh nghiệp, tăng 18,2% so với tháng 5/2018. Những doanh nghiệp quay trở lại lần này hoạt động tập trung tại các lĩnh vực: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (gần 6.000 DN, chiếm trên 36% tổng số DN quay trở lại hoạt động); Công nghiệp chế biến, chế tạo (hơn 2.200 DN, chiếm 13,4% tổng số DN quay trở lại hoạt động); Xây dựng (gần 2.600 DN, chiếm 15,6%);…
Trước tín hiệu đáng mừng trên thì còn tồn đọng một số vấn đề nan giải như lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 6 tháng trên cả nước còn khá cao (17.984 doanh nghiệp), tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2017; có 34.819 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng tới 48%; có 6.629 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 21,8%.
Nếu như Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, phá bỏ rào cản cho doanh nghiệp mà số lượng doanh nghiệp tạm ngừng/ chờ giải thể vẫn tăng lớn là hiện tượng bất thường. Theo các chuyên gia, để tiếp tục tạo động lực cho phát triển DN, các cơ quan hữu quan từ Trung ương đến địa phương cần tích cực hơn nữa trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh xóa bỏ rào cản cho doanh nghiệp để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm:
>> Từ khóa “hot” của giới kinh doanh 2018.
Theo Tạp chí tài chính