Cơ hội thị trường nghìn tỷ USD cho các Doanh nghiệp ICT Việt Nam

Thị trường công nghệ thế giới có rất nhiều cơ hội. Trong khi đó, quy mô thị trường của Việt Nam quá nhỏ hẹp khi so sánh với quy mô nhân lực dịch vụ CNTT hiện nay cũng như trong tương lai. Với các thế mạnh hiện có, doanh nghiệp ICT Việt Nam cần phải đi ra nước ngoài, mang tri thức, công nghệ Việt Nam đi “mở cõi” để khai thác tiềm năng thị trường rộng lớn với giá trị hơn 1.800 tỷ USD.

Nhận định này được đưa ra tại Hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 23/2/2023 với chủ đề “Doanh nghiệp số Việt Nam: Hợp tác số toàn cầu – Đối tác tin cậy để xây dựng Thế giới số”. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam 2023

Hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới”.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, khẳng định rằng thị trường công nghệ thế giới có rất nhiều cơ hội. Nếu phát triển năng lực phục vụ thị trường nước ngoài thì đích đến sẽ là không có giới hạn.

Thị trường phần mềm dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam khoảng 2 tỷ USD chỉ chiếm 0,1% so với thị trường thế giới là 1.803 tỷ USD. Do đó, cơ hội thị trường là rất lớn. Trong khi đó, quy mô thị trường của Việt Nam quá nhỏ hẹp khi so sánh với quy mô nhân lực dịch vụ công nghệ thông tin hiện nay cũng như trong tương lai.

Tự tin vào tiềm lực của Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam

Doanh nghiệp ICT Việt Nam không chỉ có thế mạnh về nguồn nhân lực năng động và sáng tạo mà còn có khả năng cạnh tranh về giá cả so với thị trường toàn cầu. Đây là lý do để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần phải đi ra nước ngoài, mang tri thức, công nghệ Việt Nam đi “mở cõi”.

Các doanh nghiệp tiên phong mở cõi cùng chung nhận định  rằng thị trường công nghệ thông tin thế giới là rất lớn và còn nhiều cơ hội để các doanh nghiệp khai thác phát triển.

Khẳng định vị thế cánh chim đầu đàn dẫn dắt ngành công nghệ thông tin Việt Nam trên con đường toàn cầu hoá để Việt Nam có một vị thế xứng đáng trên bản đồ công nghệ số toàn cầu, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT chia sẻ, từ bước chân đầu tiên của FPT đến Ấn Độ cách đây hơn hai thập kỷ, hiện nay FPT đã hiện diện tại 29 quốc gia. Doanh số tại thị trường nước ngoài đạt 1 tỷ USD, tăng gấp 25.000 lần, với quy mô nhân lực là 27.000 người, tăng 900 lần.

Chia sẻ về bài học kinh nghiệm trong hành trình đi ra quốc tế, bắt đầu đi ra nước ngoài từ năm 2006, đến nay, Viettel đã chinh phục được 10 thị trường với doanh thu dịch vụ đầu tư nước ngoài đạt gần 3 tỷ USD, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết.

Công ty Cổ phần NTQ Solution là công ty tư vấn và cung cấp các giải pháp công nghệ được thành lập năm 2011. Hiện tại, NTQ đã có 300 khách hàng tại 20 quốc gia. Đặt kế hoạch thành lập trụ sở tại Châu Âu và Châu Mỹ trong thời gian sắp tới, NTQ đặt mục tiêu trở thành đối tác của các hãng lớn trên toàn cầu.

Với mong muốn định hình sự phát triển của ngành công nghiệp blockchain tại Việt Nam bằng cách đổi mới liên tục để tiếp cận với các trào lưu công nghệ mới trên thế giới, hướng tới mục tiêu đưa ngành công nghệ số Việt Nam ra thế giới, ông Nguyễn Huy, Giám đốc Công nghệ Công ty KardiaChain cho biết doanh nghiệp cùng đội ngũ kỹ sư công nghệ người Việt tin tưởng vào tiềm năng to lớn của blockchain trong xã hội tương lai, tự hào đã phát triển thành công nhiều công nghệ ứng dụng blockchain ra thế giới, dẫn đầu các xu hướng và tạo ra các thay đổi lớn.

Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới

Bên cạnh các chia sẻ thành công của doanh nghiệp đã đầu tư, làm ăn ở nước ngoài, đại diện của các cơ quan xúc tiến thương mại của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu, Ấn Độ cũng chia sẻ thông tin về tình hình phát triển và nhu cầu thị trường sản phẩm dịch vụ số; chính sách thu hút đầu tư của chính phủ các nước; các cơ hội hợp tác đối với doanh nghiệp ICT Việt Nam.

Hội nghị doanh nghiệp ICT Việt Nam 2023

Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài vừa được Bộ TT&TT thành lập.

Chia sẻ về kế hoạch thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư của Nhật Bản, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Cơ quan xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO) nhấn mạnh về cơ hội cho các doanh nghiệp ICT Việt Nam mở rộng hợp tác, kinh doanh tại thị trường đang thiếu hụt số lượng lớn kỹ sư công nghệ thông tin.

Tại thị trường Hàn Quốc, ông Lee Byoung Moog, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác công nghệ thông tin Hàn Quốc đã cung cấp thông tin về thị trường ICT Hàn Quốc, các lĩnh vực ưu tiên hợp tác đầu tư thương mại của Hàn Quốc, đặc biệt là các lĩnh vực tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam, quy trình, quy định và các ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc nhằm thu hút doanh nghiệp ICT Việt Nam đầu tư và thành lập công ty tại Hàn Quốc.

Đánh giá Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh chóng, ông Pavel Poskakukhin, đồng Chủ tịch Tiểu ban Kỹ thuật số thuộc Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định, với dân số trẻ và am hiểu công nghệ, doanh nghiệp ICT Việt Nam có nhiều cơ hội tại thị trường châu Âu, đặc biệt là cung cấp giải pháp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, fintech…

“Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, mang sản phẩm dịch vụ số Make in Vietnam đi ra thế giới, giải các bài toán về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của các nước, trở thành các tập đoàn, doanh nghiệp số toàn cầu”.

Nhấn mạnh điều này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho rằng thế giới hiện vẫn còn khoảng 49% dân số, trong tổng số 8 tỷ người chưa được kết nối Internet. Đây là thời cơ, cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam mở rộng thị trường, mang tri thức và công nghệ của mình góp phần giải các bài toán chuyển đổi số ở các nước, đẩy nhanh tiến trình xây dựng thế giới số.

Tại sự kiện, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan, tổ chức liên quan cam kết sẽ đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp trong tiến trình này. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, để cùng mang tri thức và công nghệ số Việt Nam chinh phục thế giới.

Theo VnEconomy

Xem thêm:

>> So với các công cụ phân tích dữ liệu khác BI Dashboard trên BRAVO 8R3 có gì khác biệt?

>> Bổ sung phân hệ Quản lý Kiểm soát Chất lượng (QC) trên BRAVO 8R3 (ERP-VN)

News

Tin tức liên quan

    tư vấn khách hàng