Search
Close this search box.

Báo cáo tài chính và những lưu ý khi lập Báo cáo tài chính trong doanh nghiệp

Những thông tin liên quan đến Báo cáo tài chính là vấn đề mà các nhà đầu tư hay chủ doanh nghiệp hết sức quan tâm. Vậy Báo cáo tài chính là gì và những lưu ý để lập Báo cáo tài chính chuẩn, bài viết dưới đây sẽ chia sẻ tới bạn đọc.

1. Những hiểu biết sơ bộ về Báo cáo tài chính

Thông thường, để ra một quyết định đầu tư giá trị, hoặc nếu là chủ doanh nghiệp, bạn sẽ muốn biết rất nhiều thông tin về doanh nghiệp mình. Tuy nhiên, nếu chỉ thông qua việc nghiên cứu những bình luận hay bài phân tích thị trường thì các kiến thức đó sẽ không thể làm hài lòng bạn với một cái nhìn tổng quan như Báo cáo tài chính cung cấp.

Báo cáo tài chính (BCTC) là hình thức văn bản thể hiện kết quả hoạt động SXKD hàng quý, hàng năm của một công ty. Theo thời gian quy định, các công ty sẽ được yêu cầu nộp BCTC lên Ủy ban Chứng khoán nhà nước SSC. Bạn có thể tải về và đọc chúng tại website của SSC hoặc website của chính các doanh nghiệp.

Theo chuẩn mực kế toán, BCTC gồm 04 mẫu biểu:

  • Bảng cân đối kế toán
  • Báo cáo kết quả kinh doanh
  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
  • Thuyết minh báo cáo tài chính

Mới đây, cơ quan thuế yêu cầu mỗi doanh nghiệp cần nộp thêm một mẫu biểu là: Bảng cân đối số phát sinh. Các kế toán viên đều rất coi trọng mẫu biểu này, nó cũng là một mẫu biểu không thể thiếu trong BCTC đối với kế toán.

Các chỉ tiêu trên BCTC đã được chuẩn hoá theo những chuẩn mực và quy định chung, để người đọc có thể nắm được bao quát Báo cáo tài chính từng công ty. Tuy vậy, để đọc được BCTC, bạn phải có một kiến thức cơ bản về tài chính và kế toán doanh nghiệp. Tuỳ vào mục đích, yêu cầu và sự quan tâm của người đọc cũng như hiểu biết về công ty đó mà người đọc có thể quan tâm tới từng mẫu biểu cụ thể của BCTC.

1.1 Bảng cân đối kế toán ( BCĐKT)

Bảng cân đối kế toán là một BCTC thể hiển tổng quát tình hình tài sản của doanh nghiệp theo giá trị tài sản và nguồn hình thành tài sản tại một thời điểm nhất định (là cuối quý hoặc cuối năm).

Cấu trúc nội dung của BCĐKT thể hiện qua hệ thống các chỉ tiêu phản ánh tình hình tài sản và nguồn hình thành tài sản. Những chỉ tiêu này được phân loại, sắp xếp thành từng loại, mục và từng tiêu chí cụ thể; được mã hóa để thuận tiện cho việc kiểm tra, đối chiếu theo số đầu năm, số cuối kỳ.

1.2. Báo cáo kết quả kinh doanh (BCKQKD)

Báo cáo kết quả kinh doanh là BCTC tổng hợp phản ánh tổng quát tình hình và kết quả kinh doanh trong một kỳ hoạt động của doanh nghiệp. Nói cách khác, BCKQKD thể hiện chi tiết thực trạng hoạt động kinh doanh lãi/ lỗ của doanh nghiệp.

Báo cáo này được lập dựa trên tính cân đối giữa doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh. Dưới đây là minh họa về BCKQKD với những nội dung cơ bản được thể hiện.

Nhìn vào báo cáo, với tốc độ tăng trưởng của doanh thu, lợi nhuận, tăng chi phí, so với kỳ trước, người đọc có thể thấy được bức tranh toàn cảnh về khả năng sinh lời từ quá trình kinh doanh của doanh nghiệp. Tỷ lệ của các khoản doanh thu, chi phí, lợi nhuận cấu thành lên kết quả kinh doanh trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp.

1.3. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (BCLCTT)

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là một BCTC cung cấp thông tin những nghiệp vụ kinh tế gây ảnh hưởng đến tình hình tiền tệ của doanh nghiệp.

BCLCTT vô cùng quan trọng trong việc cung cấp những thông tin, đánh giá khả năng kinh doanh tạo ra tiền của doanh nghiệp. Nó diễn giải ra mối liên quan giữa lợi nhuận ròng và dòng tiền ròng, phân tích khả năng thanh toán của doanh nghiệp và dự đoán được kế hoạch thu chi tiền cho kỳ tiếp theo. Báo cáo này được lập trên cơ sở doanh nghiệp cân đối thu chi tiền mặt, phản ánh việc hình thành và sử dụng lượng tiền phát sinh trong kỳ báo cáo.

1.4. Thuyết minh báo cáo tài chính  (TMBCTC)

Thuyết minh báo cáo tài chính được lập để giải thích và bổ sung thông tin về tình hình hoạt động SXKD, thực trạng tài chính cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ở kỳ báo cáo, khi mà các bảng báo cáo khác không thể trình bày chi tiết được.

Bên cạnh đó, TMBCTC cũng được dùng để giải trình những chính sách kế toán được dùng trong kỳ báo cáo, các vấn đề đặc biệt có trong kỳ kế toán và sự kiện xảy ra sau khi đã khoá sổ kế toán.

1.5. Bảng cân đối số phát sinh (BCĐSPS)

Bảng cân đối số phát sinh là bảng tổng hợp số dư đầu kỳ và cuối kỳ trong một kỳ kế toán, gồm các loại tài khoản sau: tài sản gồm TSNH và TSDH; nguồn vốn (nợ phải trả và vốn chủ sở hữu).

BCĐSPS thường hữu ích cho các kế toán, được sử dụng để kiểm tra, đánh giá sự chính xác của việc định khoản, ghi chép số liệu, và tình hình biến động của tài sản và nguồn vốn.

Cuối kỳ trước khi lập BCTC, để bảo đảm sự đáng tin cậy của các chỉ tiêu kinh tế sẽ được trình bày trên BCĐKT và BCKQKD, kế toán cần phải kiểm tra lại toàn bộ số liệu đã ghi chép, tính toán trong kỳ. Lập BCĐSPS để đối chiếu số phát sinh và tổng hợp số liệu chi tiết là phương pháp kiểm tra thường dùng.

>>Cập nhật lịch nộp các báo cáo Thuế năm 2019.

2. Những lưu ý đối với kế toán trước khi lập báo cáo tài chính

Thời điểm cuối năm, kế toán viên cần chuẩn bị sẵn sàng để báo cáo lên cơ quan thuế. Dưới đây, bài viết sẽ chia sẻ những bước đầu tiên cần chuẩn bị trước khi lập BCTC như: kết chuyển lợi nhuận, ghi nhận thuế môn bài, các khoản tiền, tính và nộp thuế…

>> Chi phí doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN năm 2018.

2.1. Tính và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính –> hạch toán

– Căn cứ số thuế thu nhập doanh nghiệp mà đơn vị phải nộp vào ngân sách nhà nước hàng quý, theo quy định:

Nợ TK 8211

Có TK 3334

– Khi nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước, ghi:

Nợ TK 3334

Có TK 111, 112…

– Thời điểm kết thúc năm, khi xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm tài chính:

  • Trường hợp số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp thực tế nhỏ hơn số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp hàng quý trong năm, thì số chênh lệch ghi:

Nợ TK 3334

Có TK 8211

  • Trường hợp thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp thực tế lớn hơn số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp hàng quý trong năm, thì số chênh lệch phải nộp thiếu, ghi:

Nợ TK 8211

Có TK 3334

  • Thực tế, khi nộp số chênh lệch thiếu về thuế thu nhập doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước, ghi:

Nợ TK 3334

Có các TK 111, 112

2.2. Nguồn tiền mặt

Ở đây, các chủ doanh nghiệp sẽ bỏ tiền túi để mua hàng, trả chi phí nhưng không kèm theo giấy tờ gì. Do vậy quỹ thiếu hụt -> lập hợp đồng mượn tiền của Sếp để bù đắp vào.

2.3. Tiền ngân hàng

Hãy nhớ, doanh nghiệp có bao nhiêu tài khoản ngân hàng thì lấy bấy nhiêu sổ phụ về để đối chiếu, kể cả các tài khoản không có phát sinh.

2.4. Tiền tạm ứng

Đối chiếu, tra soát để hoàn ứng nếu ứng mà chưa tiêu hết.

2.5. Công nợ phải thu phải trả

Lập biên bản đối chiếu công nợ phải thu, công nợ phải trả tới hết năm.

2.6. Hàng tồn kho

– Kiểm tra hàng nhập/ hàng xuất đã tính giá đầy đủ hay chưa?
– Tuyệt nhiên không để xuất quá số lượng hàng tồn kho hiện có.
– Lập dự phòng gì hay không?

2.7. Tài sản cố định

– Khấu hao TSCĐ.
– Chi phí khấu hao đã hợp lý hay chưa hợp lý?

2.8. Thuế GTGT khấu trừ

Tra soát số dư ở chỉ tiêu 43 trên tờ khai thuế GTGT tháng 12/2018 hoặc quý 04/2018 so với số dư ở TK 1331 là như nào?
– Thường thường nếu hóa đơn tháng/ quý nào khai tháng/quý đó thì kết quả nó bằng nhau.
– Ngược lại, nếu hóa đơn mua vào khai không đúng tháng/quý dẫn đến số dư nợ TK 1331 sẽ lớn hơn hoặc bằng số dư ở chỉ tiêu 43.

2.9. Các khoản tiền vay, mượn

Kiểm tra lại thật cẩn thận từng khoản để hoàn trả.

2.10. Thuế phải nộp

Lên thuế xem tình hình thuế năm 2018 về đối chiếu
– Thuế môn bài đối chiếu xem hạch toán chi phí và đóng tiền hay chưa?
– Thuế GTGT – Căn cứ khai báo, chứng từ nộp thuế và hạch toán.
– Thuế TNCN – Thuế TNCN quyết toán năm chính xác khi lên BCTC.
– Thuế TNDN – Thuế TNDN lưu ý các bút toán Nợ 8211; Có 3334, Nợ 3334; Có 8211 khi có phát sinh nộp hằng quý, cuối năm.
– Thuế khác.

2.11. Lương, BHYT, BHXH, BHTN, CPCĐ, thuế TNCN

– Hạch toán lương hay chưa?
– Các khoản theo lương đã trích chưa?
– Đối chiếu thông tin với cơ quan bảo hiểm.

2.12. Phân bổ chi phí trả trước

– Phân bổ hay chưa?
– Loại chi phí nào đã hợp lý, còn chi phí nào cần xử lý?

2.13. Ghi nhận thuế môn bài đầu năm tài chính

– Ghi nhận thuế môn bài phải nộp
Nợ TK 6422/6425
Có TK 3338

– Chi tiền nộp thuế môn bài
Nợ 3338
Có 111/112

2.14. Kết chuyển lợi nhuận chưa phân phối đầu năm

– Nếu có lãi ghi:
Nợ TK 4212
Có TK 4211

– Nếu lỗ ghi:
Nợ TK 4211
Có TK 4212

2.15. Doanh thu

– Doanh thu chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh thu không chịu thuế?
– Doanh thu bán hàng.
– Doanh thu tài chính.
– Các lợi nhuận khác.

2.16. Giá vốn

– Giá vốn không được trừ và giá vốn được trừ?
– Tính giá thành xem có vượt định mức cho phép không?
– Hạch toán, tập hợp, kết chuyển giá vốn hay chưa?

2.17. Chi phí

– Chi phí nào hợp lý rồi, chi phí nào chưa hợp lý?
– Chi phí quản lý
– Chi phí lãi vay (tài chính)
– Chi phí bán hàng?
– Chi phí khác

2.18. Kết chuyển doanh thu chi phí

Kết chuyển TK từ loại 5 đến loại 9 không có số dư cuối kỳ.

2.19. Lập quyết toán thuế thu nhập cá nhân

Tạo cơ sở xác định số thuế phải nộp.

2.20. Lập quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp

Xác định số thuế phải nộp.

2.21. Căn cứ vào quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp để hạch toán vào phần mềm

– Số thuế phải nộp theo quyết toán = số thuế đã tạm tính ở 4 quý -> không làm gì thêm.
– Số thuế phải nộp theo quyết toán -> số thuế tạm tính 4 quý -> hạch toán thu thêm thuế Nợ 8211; Có 3334.
– Số thuế phải nộp theo quyết toán nhỏ hơn số tạm tính 4 quý -> hạch toán Nợ 3334; Có 8211.

2.22. Căn cứ quyết toán Thuế TNCN 

Tiến hành điều chỉnh giảm thuế, tăng lương hoặc ngược lại tăng thuế, giảm lương vào phần mềm

2.23. Kết chuyển 8211 -> 911 và Kết chuyển 911 -> 4212.

2.24. Lập Báo cáo tài chính -> hoàn thành.

2.25. Kiểm toán BCTC trước khi nộp cho cơ quan thuế theo quy định.

Trên đây là những thông tin khá đầy đủ về BCTC và những lưu ý khi lập BCTC trong doanh nghiệp. Vào thời điểm quyết toán hàng năm, người làm công việc kế toán rất hay phải “rối đầu” với sổ sách, số liệu. Để đơn giản hơn, rất nhiều đơn vị đã sử dụng đến các công cụ phần mềm như Phần mềm BRAVO để cùng họ vượt qua mọi khó khăn.

>>> Có thể bạn quan tâm:

1. Phần mềm kế toán thông dụng nhất hiện nay trên thị trường


News

Tin tức liên quan

    tư vấn khách hàng