Cách trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho


Ngày 08/8/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 48/2019/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 10/10/2019, quy định từ năm tài chính 2019, các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng sẽ phải trích lập và xử lý các khoản dự phòng, giảm giá hàng tồn kho.



Về phương pháp trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho


Theo Thông tư số 48/2019/TT-BTC, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp (DN) phải thực hiện lập dự phòng giảm cho:


– Các công cụ, dụng cụ, nguyên vật liệu, hàng hóa, hàng hóa kho bảo thuế, hàng gửi đi bán, hàng mua đang đi đường, thành phẩm (gọi tắt là hàng tồn kho) mà trên sổ kế toán giá gốc ghi cao hơn giá trị thuần theo quy định của Bộ Tài chính có thể thực hiện được và đảm bảo điều kiện có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, hoặc các bằng chứng hợp lý khác chứng minh giá vốn hàng tồn kho;


– Hàng tồn kho thuộc quyền sở hữu của DN tại thời điểm lập báo cáo tài chính (BCTC) năm.


Các mặt hàng này được trích lập dự phòng tính theo công thức: 


Mức trích dự phòng giảm giá hàng tồn kho = Lượng hàng tồn kho thực tế tại thời điểm lập BCTC năm x (Giá gốc hàng tồn kho theo sổ kế toán – Giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho)


Tại thời điểm lập BCTC năm, nếu tài liệu mà DN thu thập chứng minh giá gốc hàng tồn kho cao hơn giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho này, thì căn cứ quy định DN sẽ thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho qua các trường hợp sau:


– TH 1: Nếu trên sổ kế toán ghi số dự phòng phải trích lập bằng số dư khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho đã trích lập ở báo cáo năm trước, DN không được trích lập bổ sung khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho;


– TH2: Nếu trên sổ kế toán ghi số dự phòng phải trích lập cao hơn số dư khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho đã trích lập ở báo cáo năm trước, DN thực hiện trích thêm phần chênh lệch vào giá vốn hàng bán trong kỳ.


– TH3: Nếu trên sổ kế toán ghi số dự phòng phải trích lập thấp hơn số dư khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho đã trích lập ở báo cáo năm trước, DN thực hiện hoàn nhập phần chênh lệch và ghi giảm giá vốn hàng bán trong kỳ.


Mức lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải được tính cho từng mặt hàng tồn kho bị giảm giá và được tổng hợp toàn bộ vào bảng kê chi tiết. Từ bảng kê chi tiết được lập sẽ là căn cứ để hạch toán vào giá vốn hàng bán (giá thành toàn bộ sản phẩm hàng hoá tiêu thụ trong kỳ) của DN.


Hướng dẫn xử lý đối với hàng tồn kho đã trích lập dự phòng


Thông tư số 48/2019/TT-BTC quy định, hàng tồn kho do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, hư hỏng, lạc hậu kỹ thuật, lạc hậu mốt, lỗi thời do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, không còn giá trị sử dụng, hết hạn sử dụng phải được xử lý bằng cách huỷ bỏ, thanh lý.


Để xử lý hàng tồn kho, Thông tư số 48/2019/TT-BTC cũng yêu cầu các DN thành lập Hội đồng xử lý hoặc thuê tổ chức tư vấn có chức năng thẩm định giá để xác định giá trị hàng tồn kho hủy bỏ, thanh lý. Yêu cầu của biên bản kiểm kê xác định giá trị hàng tồn kho xử lý do DN lập phải xác định rõ nguyên nhân hư hỏng, giá trị hàng tồn kho bị hư hỏng, số lượng, chủng loại, giá trị hàng tồn kho có thể thu hồi được (nếu có).


Căn cứ vào Biên bản của Hội đồng xử lý hoặc đề xuất của tổ chức tư vấn, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc, chủ DN tư nhân và chủ sở hữu của các tổ chức kinh tế khác để quyết định xử lý huỷ bỏ, thanh lý.


Quyết định xử lý trách nhiệm của những người liên quan đến hàng tồn kho đó và việc chịu trách nhiệm về quyết định của mình dựa theo quy định của pháp luật…


Có thể bạn quan tâm:


>> Hướng dẫn bù trừ tiền thuế nộp thừa hoặc nhầm với tiền thuế nợ


Theo Tạp chí tài chính

News

Tin tức liên quan

    tư vấn khách hàng